Vùng bãi triều xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc dài gần 10 km vốn là “kế sinh nhai” của hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản. Sự cố môi trường biển xảy ra hồi tháng 4.2016 khiến việc nuôi sò lát, sò trắng ngắt quãng hơn một năm trời.
Cuối năm 2017, để khôi phục sản xuất bà con thuê máy móc cày xới, cải tạo bãi, thả giống vụ sò mới. Nay gần đến vụ thu hoạch bỗng dưng hơn 15 ha sò của 15 hộ dân (Cẩm Lĩnh 9 hộ/11ha; Cẩm Lộc 6 hộ/4,2ha) chết phơi trắng bụng, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng.
Ông Phạm Ngọc Dũng, thôn 2, xã Cẩm Lĩnh quệt vội mồ hôi sau mấy ngày oằn lưng thu dọn hàng tấn sò chết đi tiêu hủy nói: “Trời cho chộ mà không cho ăn chị ạ. Chúng tôi đã điêu đứng khi biển bị nhiễm độc rồi, giờ thả nuôi trở lại tưởng trời thương cho vụ sò bội thu, nào ngờ...”.
Tháng 7.2017 gia đình ông Dũng lặn lội ra tận Thanh Hóa, Nam Định mua 3,2 tấn sò về thả nuôi, theo dõi không phát hiện có gì bất thường, đùng một cái đầu tháng 4 một số diện tích bắt đầu chết rải rác, đến ngày 10.4 thì bãi sò rộng 2,7 ha trắng xóa một màu, bốc mùi hôi thối.
“Sò ở đây tuy nuôi tự nhiên nhưng chỉ tính tiền giống gia đình tôi cũng mất trắng gần trăm triệu đồng. Bao nhiêu hy vọng về cuộc sống đủ đầy tan thành mây khói hết”, ông Dũng thở dài.
Chung cảnh ngộ, anh Ngọc, thôn Trung Hà, xã Cẩm Lộc cho hay, gia đình anh có 1 ha sò bị chết. Anh không tính giá trị thời điểm này bán, chỉ riêng tiền giống đã mất hơn 50 triệu đồng. “Sò mất mùa đã nản mấy hôm nay chúng tôi còn phải bỏ cả chục triệu bạc thuê người đến nhặt sò chết đem đi tiêu hủy, xử lý môi trường. Nhìn cả bãi sò chết trắng mà xót hết ruột gan”, anh Ngọc buồn rầu nói.
Hiện tượng sò chết bắt đầu xuất hiện từ những ngày đầu tháng 4 đến 6.4 thì chết đồng loạt, có những hộ mất trắng 100%. Đáng buồn là số sò này hầu hết sắp đến vụ thu hoạch, bình quân đạt trọng lượng 40 – 60 con/kg.
Đang chờ kết quả xét nghiệm
Ngay sau khi nhận được thông tin sò chết , Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên ... đã đến lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 3 xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân.
“Hiện chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm từ Cơ quan Thú y vùng 3. Tuy nhiên, bước đầu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sò chết hàng loạt có thể do sốc thời tiết hoặc bị bệnh ký sinh trùng”, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên cho hay.
Theo ông Hà, sở dĩ đưa ra 2 giả thiết trên bởi, trước tháng 4 xảy ra một đợt mưa to, gió lớn, thủy triều dâng mạnh, sau đó trời lại nắng nóng rồi quay lại rét Nàng Bân đột ngột khiến sò sốc thời tiết. Còn giả thiết liên quan đến dịch bệnh là do ruột sò chết biểu hiện nhão, trắng.