Theo đó, Công an tỉnh Hòa Bình nhận được đơn của ông Bùi Văn Minh (SN 1974, trú tại xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) chủ nhiệm câu lạc bộ hội Mo Mường tố cáo một số đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook đã giả danh ông Minh bán các loại “bùa yêu”.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và các tài liệu chứng cứ ban đầu do ông Bùi Văn Minh cung cấp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã xác minh, xác định bị can Đinh Xuân Trường là chủ mưu cầm đầu thực hiện hành vi giả danh ông Bùi Văn Minh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người ở các tỉnh, thành khác nhau với số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, khoảng tháng 3-2020, đối tượng Đinh Xuân Trường lập nhiều trang Facebook như: “Bùa yêu Sơn Cước”, “Bùa yêu Hòa Bình”… mục đích giả danh bán “Bùa yêu” giả cho khách hàng nhưng không lừa được người nào.
Đến tháng 4/2020, Trường tìm hiểu trên mạng Internet thì biết được nghệ nhân Mo Mường - ông Bùi Văn Minh là người có uy tín rất nổi tiếng, được nhiều người tin tưởng nên đã nảy sinh giả danh ông Minh để thực hiện hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện hành vi lừa đảo hiệu quả và tạo tin tưởng là thầy Minh thật, đối tượng Trường tải các thông tin, hình ảnh, video của ông Bùi Văn Minh từ mạng Internet xuống và lập ra một số trang Fanpage (lập nhóm) đặt tên “Bùa yêu xứ Mường, “Bùa yêu thầy Minh”.
Tiếp đó Trường giao nhiệm vụ cho các bị can Trần Quốc Đông, Lê Tất Đạt, Phạm Công Binh và một số đối tượng khác tải ảnh của ông Minh ở trên mạng rồi cắt, dán vào làm chứng minh nhân dân giả là nghệ nhân Mo Mường, sau đó viết bài và đăng tải về nghệ nhân Minh.
Để có trụ sở thực hiện hành vi lừa đảo, Trường và Đông thuê phòng ở một khách sạn trên địa bàn quận Hà Đông (TP Hà Nội).
Tại các trang Fanpage trên, Trường có gắn số điện thoại, khi khách hàng có nhu cầu cần bùa để níu kéo, hàn gắn tình cảm vợ chồng, người yêu… họ sẽ liên lạc qua số điện thoại cho sẵn hoặc Zalo.
Khi khách hàng gọi đến, Trường, Đông và Đạt sẽ giả giọng nghệ nhân Bùi Văn Minh để tư vấn, ra giá tiền các loại bùa cho khách hàng lựa chọn. Nếu duy trì “bùa yêu” kéo dài thời gian lâu thì giá tiền sẽ càng cao. Tùy từng trường hợp đắt nhất là 20 triệu đồng, thấp nhất là dưới 1 triệu đồng.
Khách hàng đồng ý mua, Trường yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Tên, tuổi, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh… để đặt lễ.
Tiếp đó, bị can lên mạng Internet tìm kiếm các hình ảnh liên quan đến bùa, rồi sử dụng máy in màu để in ra, mua một số công cụ khác như chỉ đỏ để bọc quanh lá “bùa yêu” giả chuyển cho khách hàng.
Nhận được “bùa yêu” khách hàng sẽ phải thanh toán tiền cho Trường bằng hai hình thức, gồm COD (kiểm tra hàng rồi mới nhận trả tiền) hoặc khách hàng sẽ chuyển khoản về hai tài khoản ngân hàng cho đối tượng. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Đinh Xuân Trường khai nhận với thủ đoạn trên, bị can và đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với rất nhiều người, tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 2,7 tỷ đồng.
Đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội Facebook, mạng máy tính, viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thành lập nhóm như công ty trá hình có đầy đủ các bộ phận, phân công từng thành viên thực hiện hành vi lừa đảo.
Nhóm đối tượng này có khoảng trên 20 người, được Trường trả lương hàng tháng, trong đó có cả sinh viên đi làm thêm theo ca.