Một góc ao trải bạt nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Tịnh. Ảnh: T.Tuấn
Theo ông Trần Văn Mùa, chủ tịch HTX Hiệp Thành, toàn huyện Nhà Bè có tổng diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 26ha với 10 thành viên. Trong đó, đáng chú y là cách nuôi tôm thẻ sáng tạo, cần mẫn của hộ anh Phạm Thanh Tịnh khi nuôi trong ao trải bạt.
Anh Phạm Văn Tịnh
Dẫn chúng tôi băng qua những bờ ruộng, con kênh nằm sâu trong ấp 3, dễ dàng nhìn thấy cơ nghiệp đầy tâm huyết với những ao trải bạt nuôi tôm thẻ của anh nông dân còn trẻ tuổi này.
Nước da ngăm đen, rắn rỏi, anh Tịnh cho biết: “Mình gắn bó với nghề nuôi tôm ở vùng đất Hiệp Phước đã hơn 10 năm nay rồi. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cũng lắm thăng trầm, có những vụ tôm trúng mùa được giá, có vụ tôm bị dịch bệnh hành hoành khiến người nuôi lỗ trắng tay”.
Tuy nhiên, từ khi anh Tịnh khám phá hình thức nuôi tôm trong ao trải bạt, dịch bệnh hạn chế mà hiệu quả kinh tế lại tăng cao. Anh Tịnh giải thích: “Nuôi tôm trong ao trải bạt thì nguồn nước sạch sẽ hơn, các tạp chất độc hại tích tụ trong lòng đất không thấm vào con tôm gây bệnh được”.
Ngày xưa anh Tịnh nuôi tôm ao đất phải tốn công cải tạo, vệ sinh đất cẩn thận. Với ao trải bạt, công việc dọn dẹp diễn ra rất nhanh, rút nước ra rồi xả nước vào là cho nuôi tôm được ngay.
Nói nuôi tôm trong ao trải bạt là theo cách nói dân dã của người Hiệp Phước, bởi thực tế vật liệu được làm bằng cao su nhựa, không thấm nước, có độ bền cao.
Anh Tịnh hồ hởi kéo lưới lên để bắt tôm thẻ chân trắng. Ảnh: T.Tuấn
Nuôi tôm thẻ trong ao trải bạt cho năng suất cao, mỗi năm anh Tịnh bán tôm nguyên liệu ra thị trường với tổng doanh thu trên 2 tỉ đồng, thu lời ít nhất 1 tỉ đồng.