dd/mm/yyyy

Sàn London tăng vọt, cà phê trong nước do dự chưa thể bứt giá

Giá nông sản hôm nay, thị trường cà phê đã đảo chiều tăng mạnh. Tuy nhiên, dù sàn kỳ hạn có phiên tăng ngoạn mục nhưng giá cà phê nội địa vẫn do dự chưa thể bứt giá.

Giá cà phê nội địa hôm nay tăng nhẹ. Ảnh: Minh họa

Cà phê đảo chiều ngoạn mục

Pha đảo chiều tăng mạnh trên sàn kỳ hạn đã đẩy giá cà phê trong nước hôm nay bật tăng.

Theo đó, giá cà phê tại Lâm Đồng giao dịch ở mức 36.100 đến 36.300 đồng/kg, tăng nhẹ 100 đồng/kg.

Giá cà phê tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum hiện giao dịch ở mức 36.700 đến 36.900 đồng/kg, tăng 100 đến 200 đồng/kg, tùy từng điểm.

Giá cà phê R1 tại TP.HCM giao dịch ở mức 38.100 đồng/kg, tăng 200 đồng so với hôm qua.

Giá cà phê hôm nay đã tăng trở lại. Nguồn: tintaynguyen

Giá cà phê trong nước chỉ tăng nhẹ trong khi sàn kỳ hạn robusta London có phiên tăng mạnh.

Theo đó, kỳ hạn giao tháng 11.2017 tăng 32 USD/tấn, chốt ở mức 1.773 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 1.2018 tăng 23 USD/tấn, chốt ở mức 1.748 USD/tấn. Các kỳ hạn khác cũng tăng từ 18 đến 19 USD.

Sàn arabica nhận tác động từ London cũng đẩy giá lên sau 4 ngày tích lũy quanh khu vực dưới 130. Dù chỉ số USD hôm qua tăng, New York vẫn cho giá lên nhờ sức kéo phụ của London. Giá cách biệt giữa 2 sàn arabica và robusta của tháng giao dịch 3-2018 đã chạm 51 cts/lb là mức cao nhất tính từ 2 tháng nay.

Diễn biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn. Nguồn: TTCP

Mở đầu, giá kỳ hạn robusta London tiếp tục bị sức bán quán tính từ ngày hôm trước để giảm xuống 1699. Đó cũng là mức chỉnh giảm 61,8% từ đỉnh xuống đáy của giai đoạn tháng 2.2016 đến 2.2017. Sau đó, bất ngờ sàn London đảo chiều để bung ngược lên cao.

Vả lại, London đang trong giai đoạn “bán quá mức” thì việc tăng nhanh bất ngờ tạo cú đảo chiều để đi lên là chuyện đã được đoán trước. Các quỹ đầu cơ thực sự mua lại mạnh khi giá London qua khỏi 1.720 và từ đó lấy lại những gì đã mất của ngày 27.11. Chốt tại 1743 sau khi vượt chạm 1748. Tiếc đã dừng ở 1743, ngay mí của mức bình quân động 5 ngày là 1745.

Tính đến hết ngày khóa sổ liệt kê thứ Ba hàng tuần, ngày mới nhất là 21.11.2017, vị thế kinh doanh tổng hợp gồm cả kỳ hạn và quyền chọn của các quỹ đầu cơ đều ở vị thế dư bán gồm như sau:

Sàn cà phê chè arabica Ice New York các quỹ quản lý chỉ số tăng lượng dư bán thêm 1.421 lô từ lên 47.229 lô ngày 21.11 trở về cận con số kỷ lục 48.920 lô của riêng nhóm này. Nếu tính gộp với các quỹ đầu cơ lớn thì tuần chấm dứt ngày 21.11 họ tất cả bán thêm 2.264 lô để đạt 48.863 lô so với kỷ lục trở về cận con số kỷ lục 49.399 lô.

Sàn kỳ hạn cà phê vối robusta London giảm 836 lô trong vị thế dư bán trước là 15.007 lô đến 21.11 xuống còn 14.171 lô.

Hồ tiêu chưa tìm ra lối thoát

Giá cà phê hôm nay tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang. Tại các tỉnh Tây Nguyên, cà phê giao động ở mức 76.000 đến 77.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai vẫn duy trì mức 76.000 đến 77.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tiếp tục đi ngang. Nguồn: tintaynguyen

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11.2017 đạt 5.135 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 22,94 triệu USD, tăng 8,0 % về lượng nhưng giảm 21,5 % về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.466 USD/tấn, giảm 3,21 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng trước.

Thời gian gần đây, người trồng tiêu ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) đứng ngồi không yên vì những vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Có vườn tiêu chết chậm, có vườn chết nhanh. Có hộ bỏ mặc vì cho rằng, tiêu đã nhiễm bệnh thì không thể cứu chữa.

Người trồng tiêu ở Bình Phước đang gặp khó khăn vì tiêu bị bệnh. Ảnh: minh họa

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thôn Bình Hòa hiện có khoảng 100 ha tiêu, chiếm 75% diện tích toàn xã. Số hộ và số diện tích bị nhiễm bệnh tăng hằng ngày nên thôn cũng chưa có con số thống kê chính xác. Lãnh đạo xã đã kiểm tra hiện trạng, nắm bắt tình hình và động viên, chia sẻ khó khăn với người dân. Hiện không chỉ ở Bình Hòa mà một số hộ ở thôn Bình Minh cũng đã phát hiện tiêu nhiễm bệnh.

Kỹ sư Huỳnh Giang, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Bù Đăng cho biết: “Tiêu chết nhanh là do nấm tấn công vào các bộ phận từ lá, đốt, chùm trái, rễ ngầm trong đất thông qua các vết thương hở do quá trình canh tác hoặc các vết đốt của rệp sáp. Trong vòng 5-7 ngày, nấm và vi khuẩn sẽ phá hủy bộ rễ, quá trình dẫn nước và chất dinh dưỡng lên thân tiêu bị ngừng hẳn làm tiêu chết đột ngột. Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa hoặc sau một đợt hạn kéo dài gặp mưa lớn. Bệnh chết nhanh lây lan qua dòng nước hoặc các dụng cụ như: kéo cắt cành, cuốc, xẻng… Khi tiêu bị bệnh chết nhanh, gần như không thể cứu chữa”.

Nguyên Bình