dd/mm/yyyy

Rừng dẻ 'đẻ' ra tiền níu chân người bên đèo Gió

Trước khi mất vài năm, ông Lý thuê người cắm cọc, chia trăm ha rừng dẻ làm 5 phần bằng nhau. Xong xuôi, ông cho gọi 5 người con trai đến chia đều cho con mỗi hơn hai chục ha rừng dẻ bên đèo Gió...


Vợ chồng anh Anh dưới rừng huỵnh bên đồi Gió

Chuyện hơn 20 năm về trước, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ai cũng nhớ như in ông Ngô Văn Lý ngày ngày đội nắng, vai khoác túi đựng mo cơm, chai nước lên phát cây dại, đào hào chắn trâu bò khỏi vào phá hại rừng dẻ… Năm tháng dần qua, rừng dẻ của ông vươn lên khép tán. Những lứa hoa dẻ đầu tiên như níu bước chân người qua đây. Và ông có hơn trăm ha rừng chạy dọc đường Hồ Chí Minh…

Ăn đời ở kiếp với rừng

Anh Ngô Thế Anh, con trai thứ ba của ông Lý kể lại, lúc còn trẻ, mỗi lần lên rừng là ba lại gọi các con cùng đi. Những ngày đi rừng ăn bữa đói bữa no mà công việc đơn điệu, cực nhọc. Mấy anh em ai cũng bảo nhau, lúc cây lớn lên thì người ta chặt mất chứ đâu đến lượt mình mà cứ đội nắng, đội mưa đi khoanh nuôi bảo vệ rừng mãi.

 Thực ra, rừng cho nguồn thu quanh năm. Cây lớn thì bán gỗ, mùa cây dẻ rụng hạt thì lượm hạt, hết hạt thì bán củi. Mấy năm gần đây, cây dẻ bán chạy nhờ các doanh nghiệp mua đốt làm than hoạt tính. Mình bán cho họ mỗi tấn cây dẻ tươi là 1 triệu đồng.
Anh Ngô Thế Anh

Nghĩ bụng vậy, nhưng mấy anh em nín thin thít làm theo ý ba mình. Ngày phát rừng, tối thì tranh thủ ngâm ủ ươm hạt giống cây huỵnh để vụ sau có cây trồng trên đất rừng. Năm tháng đi qua, mấy anh chị em Anh lớn dần lên bên những cánh rừng xanh ngút ngát…

Trước khi mất vài năm, ông Lý thuê người cắm cọc, chia trăm ha rừng dẻ làm 5 phần bằng nhau. Xong xuôi, ông cho gọi 5 người con trai đến chia đều cho con mỗi hơn hai chục ha rừng. Để khỏi thắc mắc, ông Lý cho các con bốc thăm theo số thứ tự đã được gắn cho từng lô rừng. Ai bốc đúng lô nào thì sở hữu lô đó. Còn lại chút tiền dành dụm thu được từ rừng, ông cũng chia cho các con làm vốn liếng.

Năm người con trai của ông dựng nhà bên đường Hồ Chí Minh, sát với phần rừng mà mình được chia và tiếp tục làm nghề rừng để không phụ lòng thân sinh đã dốc hết sức lực tạo dựng nên. Anh Anh cũng cho hay, sau khi nhận phần rừng cha chia, ai cũng tận tâm tận lực coi sóc, bảo vệ rừng. Mỗi người còn khai hoang, phục hóa thêm vài ha rừng liền kề.

Cũng theo anh Anh đốn hạ 1 ha dẻ bán cho họ làm than hoạt tính thấp nhất cũng được 200 triệu đồng. Chúng tôi hỏi, thế đốn xong dẻ thì hết rừng à? Không phải vậy, anh Anh lý giải quy trình này như sau: Sau khi đốn hạ dẻ sẽ làm vệ sinh rừng, phát quang, đào hố để trồng keo và phục hồi mầm cây dẻ. Gốc dẻ mọc mầm và phát triển rất khỏe. Mỗi gốc thường có 3-6 mầm. Khoảng 5 năm sau, cây keo đến kỳ khai thác thì lúc đó cây dẻ cũng bắt đầu khép tán. Sau 5 năm nữa thì cây dẻ đã có thể thu được. Khai thác xong tiếp tục trồng lại keo, tràm...


Rừng dẻ được phục hồi đang từng ngày sinh lợi

Chu kỳ 10 năm, thu nhập từ bán gỗ, củi dẻ và keo, tràm mỗi ha được gần 500 triệu đồng. Chia trung bình mỗi ha cho 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, anh Anh cũng cho biết, chỉ đưa vào khai thác theo quy trình trên chừng 5- 7 ha. Diện tích còn lại vẫn giữ nguyên và trồng xen cây gỗ chất lượng cao như huỵnh, huê... "Ai cũng giữ phần lớn rừng dẻ để sau này con cái trưởng thành thì giao lại để nối tiếp phục hồi, bảo vệ và có thu nhập từ rừng"- anh Anh bộc bạch.

Rừng dẻ 'đẻ' ra tiền

Lúc còn sống, cụ Lý đã thành công trong việc ươm giống cây huỵnh. Tại thời điểm đó, thành công này được coi là một kỳ tích. Trong chuyến công tác tại Quảng Bình vào năm 1990 được “mục sở thị” vườm ươm của ông và quy trình bắt hạt huỵnh nảy mầm, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ là ông Phan Thanh Xuân đã gọi ông là "Tiến sỹ thực hành".

 Sát nhà anh Anh, hai vạt cây trồng đã 10 năm tuổi. Vạt cây huê sát đường và rừng huỵnh cây thẳng tắp vút cao ở mé sau nhà. Dẫn chúng tôi ra vạt cây huê, anh Anh nói: "Mấy bữa trước, có doanh nghiệp ngoài Bắc vô đây đánh tiếng trả mua vạt cây huê ni với giá 1 tỷ đồng nhưng tui không bán. Thứ nhất là chưa cần tiền lúc này, thứ hai là để cho con cái".

Có lẽ đây là cách ghi danh cụ xứng đáng nhất trong lĩnh vực nhọc nhằn này nên cái danh hiệu truyền miệng "Tiến sỹ thực hành" đã sống mãi với thời gian. Sau này, các con cụ tiếp tục ươm cây bán cho các bạn hàng từ Nam ra Bắc. Chỉ khác là ngày xưa lặn lội tìm hạt giống từ những cây huỵnh giữa rừng xanh núi thẳm, còn nay cây giống ngay trong vườn nhà.

Chị Doãn Dương Khuyên (vợ anh Anh), khi về làm dâu được ông Lý tin và giao kết nối với bạn hàng. Sau này chị vẫn duy trì các mối hàng để tiếp tục việc ươm và bán cây giống. "Bây giờ, mỗi năm gia đình tôi xuất 10 vạn cây giống huỵnh, huê... cho các tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Vào vụ làm giống cần đến 10- 12 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng" - chị Khuyên cho hay.

Cũng theo chị Khuyên, ngoài việc ươm cây giống, mấy anh chị em còn phát triển vườn tiêu trên ngàn gốc. "Thu hoạch từ tiêu mỗi năm cũng được vài trăm triệu"- chị Khuyên nói.

Box: Sát nhà anh Anh, hai vạt cây trồng đã 10 năm tuổi. Vạt cây huê sát đường và rừng huỵnh cây thẳng tắp vút cao ở mé sau nhà. Dẫn chúng tôi ra vạt cây huê, anh Anh nói: "Mấy bữa trước, có doanh nghiệp ngoài Bắc vô đây đánh tiếng trả mua vạt cây huê ni với giá 1 tỷ đồng nhưng tui không bán. Thứ nhất là chưa cần tiền lúc này, thứ hai là để cho con cái".


Vườn huê được trả 1 tỉ đồng

 Đây là đèo Gió. Dù trời có nực đến mấy thì lên đây gió thổi mát rượi. Một điểm nhấn cho du khách ngồi nghỉ ngơi, hóng gió sau khi đi tham quan rừng dẻ. Tui dành khoảng 5 ha rừng dẻ lớn để làm nhà sàn, phục vụ du khách có nhu cầu và những món ăn đặc sản từ rừng dẻ.
Anh Ngô Thế Anh.

Rừng huỵnh cũng phát triển khá tốt. Mỗi cây đường kính khoảng 0,3m, cao trên 20m. Anh Anh khoát tay: "Giống ni thì vài năm nữa mới bán được. Người ta mua làm nhà, đóng tàu thuyền. Giá bây giờ với cây có đường kính 0,5m hơn chục triệu đồng". Anh Anh bộc bạch, người trồng rừng nên chú trọng cây trồng chất lượng cao vì khi thu hoạch sẽ có giá trị lớn.

Lên rừng dẻ, anh Anh đến bên một cây lớn có đường kính gốc khoảng 0,3m. Gõ vào thân cây, anh nói: "Cây ni cắt bán phần thân cho họ xẻ gỗ làm nhà cũng được hơn triệu đồng. Còn lại cành ngọn, bìa bán củi được năm bảy trăm nữa". Tôi hỏi: Rừng dẻ của anh có bao nhiêu cây dẻ lớn có giá như thế? Anh đáp: “Khoảng hơn một nghìn cây".

Dẫn chúng tôi đến một đồi dẻ khác, nơi đây cây dẻ còn đẹp hơn, dày đặc hơn, gió thổi lồng lộng và mát rượi. Anh nói rừng dẻ này không khai thác mà giữ gìn để xây dựng thành khu du lịch sinh thái. Anh đã đầu tư hơn trăm triệu san ủi, làm đường lên rừng dẻ và ủi rộng nơi đoạn thấp tiếp giáp giữ hai ngọn đồi tạo nên một con đèo nhỏ.

Thật thú vị khi du khách đến đây để ngắm rừng dẻ hay ngắt những chùm hoa dẻ cài lên tóc nhau. Đến mùa hạt, du khách vừa thăm thú rừng vừa nhặt hạt dẻ rụng ngồi cùng nhau nướng và thưởng thức dẻ rừng được nướng trên bếp than cây dẻ. Hương vị bùi, béo, thơm của hạt dẻ rừng nướng bếp đượm cũng là niềm vui khó quên.

Theo Tâm Phùng