Giải thích cho ngã rẽ có phần bất ngờ này, Trường bảo: “Bố mẹ tôi bao đời làm lúa mà vẫn rất cực nhọc, tôi muốn tạo ra một sản phẩm gạo đặc sản hữu cơ từ những giống lúa cổ của quê nhà”.
Xung phong lên vùng cao làm… cán bộ
Sinh năm 1989, Trường thu hút người đối diện bởi dáng vẻ rắn rỏi, nước da rám nắng khỏe mạnh và nhất là phong thái tự tin, quyết đoán. Trường chia sẻ, những năm tháng được làm Phó chủ tịch UBND ở một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Lử Thẩn đã giúp anh có thêm sự tự tin. “Đó là một trải nghiệm đáng quý, không dễ có lần thứ hai trong đời”, Trường nói.
Cơ duyên đưa Trường đến với Lử Thẩn cũng rất tình cờ. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch, Trường tự thưởng cho mình một chuyến du lịch. Khi đang lang thang ở vùng Tây Bắc thì Trường biết thông tin huyện Si Ma Cai đang tuyển cán bộ về làm phó chủ tịch UBND xã theo Dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBNDcác xã đặc biệt khó khăn tại 64 huyện nghèo trên địa bàn cả nước của Bộ Nội vụ. Không do dự, Trường nộp hồ sơ và may mắn được chọn.
Vậy là chàng trai trẻ hăm hở xách ba lô lên Lử Thẩn, không lường trước hết những khó khăn, trở ngại mình sẽ gặp phải. Đầu tiên là rào cản ngôn ngữ, người dân xã Lử Thẩn phần lớn là người dân tộc Mông, nên để truyền đạt được thông tin đến người dân, vận động bà con thực hiện mô hình sản xuất mới, Trường phải “kéo” một cán bộ người địa phương đi cùng để “phiên dịch” giúp, sau đó, Trường học tiếng của đồng bào để tăng thêm hiệu quả làm việc.
Trong suốt 4 năm gắn bó với Lử Thẩn, Trường đã cùng lãnh đạo địa phương triển khai được nhiều dự án như: vận động bà con nuôi gà, heo; trồng cây ôn đới; phát triển du lịch sinh thái, trong đó dự án đưa hoa tam giác mạch lên trồng ở Lử Thẩn là Trường cảm thấy tâm đắc nhất. Nhưng hành trình đưa hoa tam giác mạch lên xã vùng cao này không dễ dàng đến thế. Cả chính quyền và người dân đều không tin loài hoa vốn là “đặc sản” của Hà Giang có thể làm nên chuyện ở cái nơi heo hút này. Nhưng Trường cứ âm thầm vận động bà con gieo hạt, cuối cùng cả một vạt đồi rộng đến 4ha bừng lên sắc hồng ngọt ngào của loài hoa trên đá, thu hút bước chân du khách. Nhờ truyền bá qua mạng xã hội, cánh đồng hoa tam giác mạch ở Lử Thẩn trở nên nổi tiếng, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Rẽ sang trồng lúa tím đặc sản
Sau 4 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, năm 2016, Trường đi đến một quyết định táo bạo: Về quê trồng lúa. Lý giải cho quyết định này, Trường bảo, bố mẹ bao đời nay “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm lúa vô cùng cực nhọc, vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nên anh muốn làm một điều gì đó để thay đổi và cũng vì trồng lúa có thể quay vòng vốn nhanh.
Sau khi trở về, Trường bắt tay vào đi tìm diện tích đất đủ lớn để thực hiện ước mơ trồng lúa đặc sản. Quê ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhưng Trường phải đến tận xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực (Nam Định) để thuê đất vì ở đó mới đủ điều kiện để tích tụ diện tích đủ lớn.
Rất may là Trường nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo xã khi anh thuê được 7,2ha đất ruộng bị bỏ hoang hóa với giá 400.000 đồng/sào trong thời gian 5 năm. Khi đã có đất trong tay, Trường hăm hở cải tạo để xuống giống những hạt lúa đầu tiên. “Thời gian đầu khá vất vả vì tôi phải mất công cải tạo lại đồng ruộng vì bà con bỏ hoang đã lâu”, Trường kể lại.
Ngay từ đầu, Trường đã xác định cho mình một con đường mới, khác hoàn toàn với những gì ông bà, cha mẹ và những người nông dân quê anh đã và đang làm từ bao đời nay, đó là trồng lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, thuận theo tự nhiên nhất có thể. May mắn là ngay khi mới bắt đầu Trường được Công ty CP BAGICO (Bắc Giang) đặt hàng trồng thử nghiệm giống lúa tím sông Thương, cho ra loại gạo có màu tím đen, có thể coi là một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe vì chứa nhiều chất dinh dưỡng trên diện tích 1 mẫu. Ngoài ra, Trường còn trồng khảo nghiệm thêm 1 mẫu giống nếp Thái Bình, là một giống lúa dài ngày. Hai loại giống này Trường áp dụng quy trình nghiêm ngặt của sản xuất hướng hữu cơ “3 không”: Không cày, không bón phân hóa học, không phun thuốc hóa học; Trường cũng trồng thêm tám xoan, Bắc hương nhưng giai đoạn đầu phát triển của cây lúa có sử dụng phân bón hóa học, giai đoạn sau thì cách ly hoàn toàn. Về nguồn vốn, Trường chủ yếu sử dụng của bản thân, huy động thêm anh em bạn bè.
Nghe quy trình trồng lúa có vẻ đơn giản này, tôi hỏi: “Làm sao cây lúa có thể cạnh tranh được với cỏ khi không cày bừa gì?, Trường bảo: “Với diện tích tám xoan, Bắc hương, tôi gieo cấy theo quy trình bình thường, thời gian đầu có sử dụng phân hóa học, riêng lúa tím và nếp tôi áp dụng quy trình theo hướng hữu cơ. Ruộng dùng máy lồng dìm cỏ xuống, cải tạo sạch rồi gieo sạ”.
Rồi Trường say sưa kể về quy trình làm lúa sạch như một nông dân thực thụ. “Tại sao bà con mình phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật vì quy trình trồng, chăm sóc chưa chuẩn, rất lãng phí giống, phân bón. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến lúa bị sâu bệnh nhiều là: Ruộng ngập nước, bón nhiều đạm và trồng quá dày. Tôi hạn chế bằng cách gieo sạ thưa, không dùng phân bón hóa học, cây lúa cứ thế lớn lên khỏe mạnh. Vụ này lúa bị đạo ôn nhẹ nên tự khỏi, tôi có dùng thêm chế phẩm vi sinh trừ sâu với quan điểm chỉ cần khống chế lượng gây hại vừa đủ để sâu bệnh không làm chết lúa là được”, Trường chia sẻ.
Cuối cùng, sau nhiều tháng “ăn ngủ” trên đồng (Trường xa gia đình, đến nhà bác ở xã Nam Trực để tiện chăm sóc lúa), Trường đã được thu hoạch những hạt “ngọc trời” đầu tiên. Vì trồng những giống lúa cổ của địa phương, lại theo phương pháp hữu cơ nên năng suất không quá cao: chỉ khoảng 1,2 – 1,3 tạ/sào nhưng Trường rất vui vì thành quả đầu tiên của mình rất trọn vẹn. Vụ này Trường thu khoảng 150 triệu đồng.
Chặng đường phía trước còn dài vì Trường có ý định phủ kín 7,2ha diện tích bằng các giống lúa đặc sản như tám xoan, dự, nếp, lúa tím,… nhưng chàng trai trẻ vẫn tin vào hướng đi của mình. “Tôi đã hứa với lãnh đạo xã sẽ xây dựng cho địa phương một sản phẩm theo chương trình: Mỗi xã, phường sản phẩm (OCOP) mà Bộ NN&PTNT vừa phát động, đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình chăm sóc để vừa đảm bảo sạch vừa cải thiện năng suất, về lâu dài sẽ xin được cấp giấy chứng nhận lúa hữu cơ cho sản phẩm của mình”, Trường khẳng định.