Bắt ốc cháy thu tiền triệu
Những ngày qua, người dân 5 xã sống ven đầm Ô Loan (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Hiệp) đổ xô ra đầm bắt ốc cháy. Còn ở khu vực giữa đầm, ốc cháy duỗi dưới lớp bùn. Người dân bắt ốc cháy theo cách truyền thống, dùng rổ moi sâu dưới lớp bùn đưa lên mặt nước đãi cho sạch bùn rồi lựa bắt ốc cháy.
Lúc gặp ốc cháy bám vào hòn đá to thì dùng tay moi lên rồi dùng rựa trành (rựa cùn) dạt ốc cháy rớt xuống thau. Bà Phùng Thị Hằng ở xã An Ninh Đông, cho biết: Ốc cháy năm nay xuất hiện dày ở các bờ đá, chỉ cần rà chân xuống là đụng ngay. Tôi bắt từ buổi sáng đến quá trưa được 2 bao tải (khoảng 100kg), bán lại cho người nuôi tôm hùm với giá 5.000 đồng/kg, bỏ túi 500.000 đồng. Đàn ông bắt giỏi có người một ngày bán gần 2 tạ ốc cháy.
Mưu sinh nghề này, người dân dùng sợi dây cột vào quai của chiếc can nhựa đã khoét trống một bên, đầu kia cột vào tay áo, đi đến đâu kéo thau chạy trên mặt nước đến đó để đựng ốc cháy. Khi bắt đầy can nhựa thì họ đổ ốc cháy vào sõng câu (một loại xuồng nhỏ), cứ thế di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Ông Trần Văn Vân ở xã An Cư đang kéo sõng câu lội ra giữa hồ nuôi tôm ven đầm (hồ bỏ hoang chưa thả tôm) moi bùn bắt ốc cháy. Ông Vân cho hay: Ốc cháy không chỉ bám nhiều vào bờ đá mà còn duỗi dưới lớp bùn giữa hồ nuôi tôm. Hôm qua tại hồ này, nhiều người bắt trúng luồng được trên 1 tấn vẹm đá. Riêng tôi mấy ngày qua chịu khó ngụp lặn, trung bình mỗi ngày kiếm được gần 600.000 đồng.
Ốc cháy xuất hiện dày mang lại thu nhập cao nên tại nhiều hồ nuôi tôm đang bỏ hoang, chủ hồ giữ không cho người vào hồ bắt để họ tận thu. Ông Phan Tấn Kính, chủ hồ nuôi tôm ở xã An Nghiệp, cho hay: Mới đây, tôi cải tạo hồ nuôi tôm để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Lúc cải tạo, tôi tận dụng bắt ốc cháy bán trên 5 triệu đồng.
Thả mùng bắt ốc cháy
Hiện mỗi ngày trên đầm Ô Loan có hàng trăm người đi bắt bộ (bắt bằng tay), gần đây có người nghĩ cách thả mùng bắt ốc cháy, thu được từ 2-3 tấn. Ông Phan Văn Trung ở xã An Cư, thả 9 tấm mùng, mỗi tấm vớt lên cạo sạch thu vào gần 1 tấn ốc cháy. “Mùng thả trước 2-3 tháng ốc cháy mới bám vào, hôm nay tôi vớt tấm này lên cạo, hôm sau vớt tấm khác. Năm nay, ốc cháy xuất hiện với mật độ khá dày tại những vùng nước có độ mặn. Nhờ vậy, gia đình tôi đã kiếm được hơn 20 triệu đồng từ 9 tấm chấn đăng trong mùa này”, ông Trung phấn khởi nói.
Theo người dân sống ven đầm, việc thả mùng “nuôi” ốc cháy khá đơn giản lại không tốn chi phí. Người nuôi tận dụng mùng cũ làm trủ, khi thả xuống thì cắm cọc cho mùng dựng đứng, ốc cháy tự nhiên bám vào, không đầu tư con giống cũng không đầu tư thức ăn. Tuy nhiên, ốc cháy xuất hiện dày cũng kéo theo hệ lụy. Bởi trước đây, nhiều người thuê mặt nước đầm để đóng chấn bắt tôm đất, cua, cá… nay chuyển sang thả mùng “nuôi” ốc cháy dẫn đến cản trở dòng chảy.
Không những thế, việc cắm cọc cây dưới nước để giăng mùng rất nguy hiểm đối với những người bơi sõng câu đánh bắt hải sản trong đầm vào ban đêm. Một số người lén thả mùng nuôi trái phép ở khu vực giữa đầm, nơi không có quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản. Điều này làm bó hẹp không gian sống của các loại thủy sản tự nhiên trong đầm. Vừa qua, UBND xã An Cư đã vận động người dân tự tháo dỡ dụng cụ “nuôi” ốc cháy trái phép để sớm trả lại cảnh quan, đảm bảo môi trường đầm Ô Loan.