Vụ rau năm 2019, xã Hồng Thái trồng hơn 7 ha các loại bắp cải, súp lơ, bí xanh, rau cải, cà chua… tổng sản lượng đạt khoảng 70 tấn. So với năm 2018, vụ này năng suất cao hơn 18 tấn. Ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, xã tiếp tục bắt tay vào trồng rau trái vụ đảm bảo kịp thời cung ứng cho thị trường.
Ông Hoàng Việt Thanh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Na Hang cho biết, đảm bảo quy trình trồng rau của người dân theo hướng an toàn, hằng năm cán bộ nông nghiệp huyện đều tổ chức tập huấn cho người dân các nguyên tắc cơ bản trồng rau an toàn; nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả trên rau, quy trình trồng rau an toàn cho các nhóm rau; các biện pháp phòng trị sâu bệnh hại rau... Do vậy người dân đều thực hiện nghiêm túc quy trình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP.
Chuyện ông Lý Văn Đình, dân tộc Mông làm kinh tế giỏi được người dân trầm trồ khen ngợi. Ông Đình là người bản Khuổi Phầy, vốn khó khăn như bao người Mông khác trong bản. Ông Đình cho biết, vụ năm 2016 - 2017, chính quyền địa phương vận động bà con trồng rau màu, nhiều người còn phân vân. Nhưng ông lại thấy điều đó là đúng nên mạnh dạn trồng 0,5 ha cà chua trên đất ruộng 1 vụ. Do áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc hằng năm, vườn cà chua cho 4 tấn quả, trừ chi phí ông thu lãi 30 triệu đồng.
Với giá bán tại vườn từ 6.000 - 7.000 đồng/kg với rau bắp cải, súp lơ 15.000/kg, cà chua 8.000 - 10.000/kg... sau khi thu hoạch xong thương lái đến tận nơi thu mua nên bà con yên tâm về đầu ra. Chính quyền địa phương đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về an toàn thực phẩm để thực hiện mục tiêu đưa rau sạch Hồng Thái vào siêu thị.
Từ năm 2018, xã Hồng Thái đưa vào trồng thử nghiệm mô hình dâu tây với diện tích 1.000 m2. Sau 1 thời gian trồng thử nghiệm, Phòng NN-PTNT huyện Na Hang đánh giá cây dâu tây khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và có khả năng nhân rộng. Vì vậy, năm 2019, người dân trong xã tiếp tục duy trì mô hình này để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Gia đình anh Triệu Văn Lành, thôn Nà Mụ là 1 trong 2 hộ tham gia trồng dâu tây với diện tích 400 m2. Anh Lành cho biết, khi triển khai thực hiện, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, anh còn nhiều lúng túng. Tuy nhiên, được cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn kỹ thuật, lại được nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tư vấn anh đã nắm bắt được quy trình chăm sóc. Hiện nay, mỗi lần thu hoạch vườn dâu tây của gia đình cho từ 3 - 4 kg quả. Trung bình mỗi tháng được thu hoạch 8 lần, với giá 150.000đ/kg, trừ chi phí gia đình anh thu lãi 3,5 triệu đồng.
Trong năm 2019, xã Hồng Thái đặt ra mục tiêu về đích nông thôn mới. Thu nhập là một trong những mục tiêu quan trong xuyên suốt được chính quyền các cấp và người dân trong xã nỗ lực thực hiện.
Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết, nếu như 2011 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 2 triệu đồng/người/năm. Đến nay xã đạt 26 triệu đồng/người/năm và khi về đích xã phấn đấu đạt 33 triệu đồng/người/năm. Những con số thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội ở Hồng Thái, trong đó trồng rau an toàn góp phần không nhỏ vào thành công này.
Hồng Thái nằm ở độ cao từ 800 - 1.200 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, sự khác biệt ấy là điều kiện phát triển cây trồng đặc sản. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất hứa hẹn cho vùng rau an toàn Hồng Thái có sự bứt phá mạnh trong tương lai.