dd/mm/yyyy

Quỳnh Nhai xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.

Cùng với dồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Quỳnh Nhai đặc biệt chú trọng vận động bà con xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững; khuyến khích hộ nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ; mạnh dạn đưa cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng rau sạch ở xã Mường Giàng, Chiềng Khoang; chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn xã Cà Nàng, Chiềng Khay, Mường Giôn, Chiềng Khoang, Nặm Ét; phát triển nuôi cá lồng quy mô 275 ha gắn với chăn nuôi thủy cầm tại các xã vùng dọc lòng hồ thủy điện Sơn La...

Vùng nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hợp Lực, xã Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai.
Vùng nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hợp Lực, xã Chiềng Ơn, Quỳnh Nhai.

Về phát triển cây ăn quả, toàn huyện có 1.070 ha, trong đó trồng mới năm 2018 được 31 ha (chanh leo 28 ha, chuối 3 ha); thâm canh 2.970 ha ngô, năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt 12.000 tấn/vụ; duy trì 980 ha cây công nghiệp lâu năm (140 ha cây cà phê, 840 ha cây cao su). Riêng cây cao su, sản lượng mủ 6 tháng năm 2018 đã khai thác đạt 40 tấn. Huyện đã triển khai hỗ trợ cho 2.890 hộ dân ghép mắt và trồng cây ăn quả trên đất dốc tại các xã: Chiềng Khay, Mường Giôn, Mường Giàng, Chiềng Bằng; xúc tiến thành lập 52 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Nhiều HTX sau thành lập đã tìm được chỗ đứng, xây dựng thương hiệu, tiến tới phát triển bền vững như: HTX Vận tải Hợp Lực (Chiềng Ơn) thực hiện nuôi cá lồng theo quy trình sản xuất sạch VietGap; HTX Chiềng Khay Xanh (Chiềng Khay) thực hiện trồng cây ăn quả chất lượng cao như xoài, bơ, chanh leo… hướng tới xuất khẩu.

Mô hình nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng.
Mô hình nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng.

Bà Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Với tiềm năng lợi thế về vùng hồ thủy điện Sơn La rộng lớn, ngoài đẩy mạnh chương trình phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với phát triển du lịch, huyện còn khuyến khích bà con tổ chức sản xuất, chế biến, tận dụng những nguồn lợi sẵn có của lòng hồ, hình thành các HTX, làng nghề, như: Mô hình làm nước mắm; chế biến cá tép dầu khô kết hợp với du lịch sinh thái; mở dịch vụ đưa đón khách tham quan, khám phá trải nghiệm trên hồ thủy điện Sơn La với các bản du lịch cộng đồng. Qua đó, đã mở ra cách làm mới góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt cá, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Mô hình nuôi cá lồng gắn với thủy cầm ở Chiềng Bằng.
Mô hình nuôi cá lồng gắn với thủy cầm ở Chiềng Bằng.

Cùng với đó, các hộ gia đình, HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có khả năng sản xuất hàng hóa, có thị trường tiêu thụ góp phần đa dạng hóa sản xuất, phá thế sản xuất canh tác cũ, điển hình như: Hộ ông Lò Văn Khặn (Chiềng Bằng) kết hợp nuôi cá lồng với vịt trời thương phẩm; HTX dịch vụ thương mại Thương Tuyên trồng cây ăn quả chất lượng cao như: Nhãn chín muộn, na Thái Lan áp dụng công nghệ tưới ẩm; hộ ông Tòng Văn Hùng, bản Hán B (Chiềng Khoang) nuôi vịt sinh sản gắn với máy ấp trứng quy mô 200 con; hộ ông Thào A Dia, bản Phiêng Ban, (Mường Giàng) trồng cây sa nhân dưới tán rừng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...

Dịch vụ du lịch phát triển ở Quỳnh Nhai.
Dịch vụ du lịch phát triển ở Quỳnh Nhai.

Từ việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, đã giúp huyện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 384 hộ gia đình nông dân, HTX sản xuất kinh doanh tiêu biểu. Trong đó, có 376 hộ gia đình nông dân có thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Đến nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt từ 16-19 tiêu chí và 6 xã còn lại đều đạt từ 8-10 tiêu chí.

Phụ nữ Thái Quỳnh Nhai phát triển nghề dệt truyền thống.
Phụ nữ Thái Quỳnh Nhai phát triển nghề dệt truyền thống.

Thời gian tới, Quỳnh Nhai tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ hộ gia đình, HTX phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh phù hợp với với điều kiện đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất gắn với phát triển du lịch; chú trọng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hệ thống quản lý, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; đăng ký thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân phát triển, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, HTX, góp phần nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

Cầm Thúy Hòa