dd/mm/yyyy

Quảng Nam có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Lần đầu tiên Quảng Nam sẽ có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ nhà kính của Israel, kỹ thuật nuôi của Úc và hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan với quy mô lớn.

Đây là mô hình do Công ty CP Ánh Dương đăng ký đầu tư ở 2 xã Bình Hải và Bình Nam (Thăng Bình).

Dự án “khủng”

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh vào ngày 12.5 vừa qua, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương cho biết, sẽ triển khai dự án gồm 2 giai đoạn, trước mắt trên tổng diện tích 118ha ở 2 thôn Kỳ Trân (Bình Hải) và Phương Tân (Bình Nam), sau đó mở rộng lên 250ha.

Với vốn đầu tư 1,8 tỉ USD, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư 50 trại nuôi tôm, mỗi trại là 1 nhà kính gồm 9 ao nuôi có diện tích 1.000m2 /ao, tổng diện tích thả nuôi sẽ là 45ha. Theo quy trình khép kín của Úc, tôm nuôi sẽ được bố trí với mật độ cao (250 con/m2 ), sau 105 ngày nuôi sẽ thu hoạch, dự kiến kích cỡ là 30 con/kg, năng suất trung bình đạt 100 tấn/ha.

Nhiều mô hình nuôi tôm sạch trên địa bàn tỉnh cho năng suất cao. Ảnh: N.Q.V
Nhiều mô hình nuôi tôm sạch trên địa bàn tỉnh cho năng suất cao. Ảnh: N.Q.V

Nhờ nuôi tôm trong nhà kính Israel, không mất thời gian cải tạo ao nuôi, tôm nhanh lớn nên có thể nuôi 3 - 4 vụ/năm, đạt ít nhất là 300 tấn/ha/năm. “Nuôi tôm theo công nghệ cao này có nhiều ưu điểm. Tôm tăng trưởng nhanh, khi thu hoạch có ngoại hình bóng, đẹp. Tôm nguyên liệu sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chí khắt khe của thị trường xuất khẩu. Công nghệ mới này sẽ kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi, khống chế dịch bệnh, giảm diện tích đất sử dụng, phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái”, ông Dương khẳng định.

Dự án nuôi tôm công nghệ cao khép kín hoàn toàn, từ sản xuất tôm giống, nuôi thâm canh cho đến chế biến thức ăn nuôi tôm và chế biến tôm nguyên liệu để xuất khẩu sang các thị trường EU và Mỹ. Riêng nhà máy chế biến tôm có công suất hoạt động đến 50 tấn tôm thành phẩm/ngày. Để xuất khẩu tôm sang thị trường EU, Mỹ, sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn HACCP. Toàn bộ máy móc, trang thiết bị đều nhập về từ nước ngoài. Để sản xuất thuận lợi, công ty sẽ đảm bảo tự sản xuất tôm giống, tự chế biến thức ăn.

“Điểm nhấn của khu nuôi tôm siêu thâm canh là công nghệ nhà kính Israel. Ngoài kết cấu bền vững, đảm bảo cơ giới hóa cao nhất, khu nhà kính còn đáp ứng kiểm soát các tác động của biến đổi khí hậu. Khu nhà kính sẽ ổn định nhiệt độ, cũng như ngăn các tác động từ bên ngoài vào ao nuôi tôm và xử lý triệt để nguồn nước trước khi đưa ra bên ngoài”, ông Dương nói thêm.

Để đảm bảo nguồn nước nuôi tôm sạch, Công ty CP. Ánh Dương sẽ đầu tư hệ thống xử lý nước của Mỹ, Hà Lan kết hợp cùng hệ thống xử lý nước bằng đèn UV (tia cực tím) và hệ thống lọc sinh học theo công nghệ MBBR. Trong nhà kính, việc xi phông đáy ao nuôi được thực hiện liên tục, định kỳ kết hợp với sử dụng men vi sinh. Theo công nghệ hiện đại này, nguồn nước ao nuôi tôm chỉ cần được bổ sung tối đa 2%/ngày. Để đảm bảo lượng oxy lớn cung cấp đủ cho nuôi tôm mật độ cao, dự án sẽ sử dụng hệ thống quạt nước đồng bộ và oxy đáy 24/24 giờ. Ngoài ra, dự án sẽ sử dụng nguồn điện được tạo nên từ năng lượng mặt trời.

Theo Sở NN&PTNT, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính là kỹ thuật hoàn toàn mới lạ tại Quảng Nam. “Bạc Liêu là tỉnh phát triển nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước cũng chưa thể so sánh với cách đầu tư này. Thêm điểm mạnh nữa là dự án sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, giúp Quảng Nam hiện thực hóa chủ trương sản xuất “xanh, sạch” trong nông nghiệp”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

Kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng: Dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty CP Ánh Dương được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực phát triển kinh tế  - xã hội địa phương. UBND huyện Thăng Bình đề nghị Công ty CP Ánh Dương cân nhắc, không chỉ sản xuất tôm giống để chỉ nuôi thâm canh trong nhà kính mà còn cung cấp cho các nông hộ nuôi tôm trên địa bàn cũng như thu mua tôm nguyên liệu của nông dân.

Theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, dự án đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ hiện đại đầu tư sản xuất tôm giống vào khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản Quảng Nam (thôn Phương Tân, xã Bình Nam) là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, quỹ đất mà tỉnh đã quy hoạch phục vụ nuôi tôm nước lợ là khó điều chỉnh tăng thêm vì ảnh hưởng đến rừng phi lao phòng hộ ven biển cũng như các dự án trọng điểm ở vùng đông. Vậy nên, Công ty CP Ánh Dương nên xem xét chỉ đầu tư sản xuất tôm giống và nuôi tôm thâm canh ở Bình Nam, Bình Hải còn chế biến thức ăn và chế biến tôm thương phẩm thì có thể chuyển đến địa điểm khác cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Quảng Nam rất hoan nghênh dự án đầu tư của Công ty CP Ánh Dương. Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản được đầu tư bấy lâu nay nhưng tỉnh chưa cho một số doanh nghiệp vào hoạt động vì cần sản xuất tôm giống đạt chất lượng cao. Với quỹ đất cố định dành cho nuôi tôm nước lợ ở Bình Nam và Bình Hải, Công ty CP Ánh Dương chỉ nên đầu tư sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm chứ không nên đầu tư khu liên hợp chế biến thức ăn và chế biến tôm thương phẩm.

“Quảng Nam đã quy hoạch các khu công nghiệp chế biến riêng, vì thế Công ty CP Ánh Dương nên phối hợp với các ban ngành liên quan, khảo sát thêm địa điểm để đầu tư chế biến thức ăn, chế biến tôm thương phẩm vào đó. Nhất cử lưỡng tiện, vừa phù hợp quy hoạch của tỉnh, đồng thời giúp cho danh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển nguyên liệu chế biến thức ăn nuôi tôm cũng như xuất bán khi chế biến tôm nguyên liệu thành phẩm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Nguyễn Quang Việt