Các chuyên gia giải đáp những câu hỏi về trồng rừng gỗ lớn tại Diễn đàn giải pháp phát triển rừng gỗ lớn.
Tại Diễn đàn giải pháp phát triển rừng gỗ lớn vừa được TTKNQG tổ chức tại Quảng Ninh, một thực trạng được các chuyên gia nêu lên, đó là: mặc dù diện tích rừng trồng trên phạm vi cả nước tăng nhanh, nhưng hầu hết các tỉnh tập trung cho phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ phục vụ chế biến bột giấy, băm dăm, gỗ bóc, cung cấp gỗ trụ mỏ… giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn với giá trị kinh tế cao.
Theo đánh giá của Th.S Nhữ Văn Kỳ, chuyên viên Vụ phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp: So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chẳng hạn với cây keo, nếu bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/ha/năm.
Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 - 14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200 - 240m3/ha và hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 18cm, chiếm 50% trữ lượng khoảng 100 - 120m3/ha. giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân từ 22 - 25 triệu/ha/năm, cao gấp hơn 1,5 lần...
Đoàn cán bộ, chuyên gia Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đi khảo sát, thăm mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh).
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc TTKNQG cho rằng, một vấn đề khó khăn cốt lõi của tất cả các chủ rừng trồng gỗ lớn hiện nay là về vốn trồng rừng. Trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi thời gian chăm sóc, bảo vệ dài (tối tiểu trên 12 năm) nên số vốn bỏ ra lớn, lại lâu thu hồi.
Trong quá trình đó có nhiều rủi ro nên các ngân hàng thường ngại cho người dân vay vốn để trồng rừng gỗ lớn. Hiện hầu hết các ngân hàng đều khồng có chương trình dành cho phát triển sản xuất lâm nghiệp dài hạn. Trong khi đó, một số chính sách Nhà nước hỗ trợ thiết thực cho trồng rừng gỗ lớn hiện chưa thực sự có tác dụng sâu rộng.
Tại Diễn đàn, nhiều nông dân tâm tư, đặt câu hỏi: “Trồng rừng gỗ lớn mất khoảng 15 năm mới có thể thu lời, vậy trong 15 năm ấy chúng tôi lấy gì để sống?”.
Giải đáp câu hỏi này, Th.S Nhữ Văn Kỳ cho rằng cần kết hợp nông – lâm, hay trồng cây xen dưới tán để cho thu nhập ổn định, nhưng phải thực hiện đúng kỹ thuật hướng dẫn.
Tỷ lệ rừng gỗ lớn tại Quảng Ninh con thấp, chủ yếu vẫn là rừng sản xuất gỗ nhỏ, giá trị kinh tế thấp.
Đưa ra giải pháp chính sách đầu tư và tín dụng, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo các quy định hiện hành Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông lâm nghiệp, trong đó tăng cường hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, giảm hỗ trợ trồng rừng gỗ nhỏ.
Để triển khai thành công chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về giống, vốn và lãi suất; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.