dd/mm/yyyy

Quản lý chất cấm trong chăn nuôi: Khó nhưng vẫn làm được

Sau một thời gian các cơ quan chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra, xử phạt về hành vi sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi, thu gom, đại lý, thương lái, cơ sở giết mổ…, tình hình sử dụng chất cấm đã có nhiều biến chuyển tích cực.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức tại tỉnh Bình Dương năm 2016, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: tình hình sử dụng chất cấm đang giảm khá nhiều. Các địa phương cũng báo cáo không phát hiện vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trong các đợt thanh tra đột xuất, khi đến các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, họ đều khẳng định không dại gì sử dụng chất cấm. Vì nếu bị phát hiện sẽ bị ảnh hưởng danh dự, uy tín và thiệt hại kinh tế rất lớn.

Các doanh nghiệp ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

Cũng theo ông Việt, những loại chất cấm sử dụng phổ biến nhất trong chăn nuôi thời gian qua là vàng ô và Salbutamol. Việc bùng phát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như trước đây không phải các cơ quan buông lỏng quản lý, chỉ là chưa có cách làm hiệu quả. Từ cuối năm 2015, chúng ta làm đồng bộ và quyết liệt hơn nên thu được kết quả tích cực. Qua bài học này, từ đầu năm 2016, Bộ NN&PTNT và các ngành khác sẽ chủ động phối hợp hiệu quả hơn trong cuộc chiến với chất cấm.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, kiểm soát chất cấm, kháng sinh, ông Việt nhấn mạnh: “Nếu lơ là, nhiều cá nhân sẵn sàng sở dụng các chất này vì lợi nhuận, trong khi thương lái rất sẵn hàng cung cấp cho người cần. Chính vì vậy các địa phương phải có kế hoạch “tác chiến” cụ thể, phối hợp với lực lượng công an, công thương… chứ không riêng ngành nông nghiệp”.

TS.Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, cần áp dụng đồng bộ cả 2 biện pháp “chống” và “xây” trong quản lý chất cấm. Cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi về các nguy cơ, hậu quả của chất cấm cho người dân được biết và không sử dụng nữa. Song song với đó phải có những giống vật nuôi chất lượng mà không cần phải dùng chất cấm. Với người dân, để tránh sử dụng phải thức ăn có chất cấm, khi mua thức ăn từ đại lý, thương lái cần có hợp đồng mua bán, ghi rõ thông tin và phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. "Chất cấm tập trung chủ yếu ở trang trại, vì vậy phải kiểm tra thường xuyên mới dẹp được. Với kháng sinh, phải quản lý đường nhập vào, phải xác định được 1 năm nghành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần bao nhiêu kháng sinh để đưa vào kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất. Chỉ có thanh tra đột xuất mới phát hiện được”, ông Thông nhấn mạnh.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: “Chúng tôi khuyến cáo ở rất nhiều chương trình rằng, một trong những cách để bà con tăng cao lợi nhuận khi chăn nuôi là áp dụng chương trình chăn nuôi an toàn sinh học. Với cách này, vật nuôi được ngăn ngừa khỏi các mầm bệnh, giảm chi phí về thuốc, kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi. Khi đó, sẽ tăng được hiệu quả chăn nuôi, giảm chi phí. Quy trình này gồm 3 nội dung liên quan: cách ly, làm sạch và khử trùng. Bà con cũng nên có những ghi chép chi tiết về quá trình chăm sóc vật nuôi”.

Đặng Minh