Du khách thích thú với cây lê xanh bản địa
Hiện nay, đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch lê xanh hay còn gọi là lê địa phương. Ước tính sản lượng ước đạt 240 tấn, giá bán giao động từ 15 - 35 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân người Mông, Phù Lá khu vực trung và thượng huyện Bắc Hà.
Thông thường vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 dương lịch mới là mùa thu hoạch quả lê xanh. Nhưng năm nay do thời tiết khô nắng kéo dài nên lê xanh đã chín sớm, cho thu hoạch hơn 10 ngày nay…
Bà Bùi Thị Thùng, ở thị trấn Bắc Hà – một "tay" buôn hoa quả có tiếng ở chợ Bắc Hà cho biết: Vụ thu hoạch lê xanh thường từ cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7 ngay sau khi kết thúc thu hoạch lê VH6. Năm nay, lê xanh vẫn được mùa song diện tích thu hoạch ít đi vì một số hộ dân đã tỉa cành bán cho tư thương vào dịp tết, xuân hoa nở trắng, phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân thành thị, thủ đô…
Giá quả lê ổn định chục năm nay. Hiện giá lê xanh mua tại gốc từ 7 - 30 nghìn đồng/kg, bán lẻ tại thị trường huyện từ 15 - 50 nghìn đồng/kg, vận chuyển ra thị trường khác có giá dao động từ 30 - 80 nghìn đồng/kg. Giá lê chia làm 3 loại: loại 3 lê xô, trung bình 15- 20 nghìn đồng/kg, loại 2 là lê chọn giá 25-30 nghìn đồng/kg, loại 3, lê ngố giá 40-70 nghìn đồng/kg.
Việc tiêu thụ lê vẫn bình thường, chủ yếu bán chạy cuối tuần, chủ nhật khi có nhiều khách du lịch lên Bắc Hà đi chợ phiên khám phá, trải nghiệm, đặc biệt giống quả lê xanh chua chat này được chị em phụ nữ Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc rất thích, lên tận Bắc Hà du lịch tìm mua và đặt hàng qua điện thoại, zalo, facebook…
Thập kỷ 90 có lúc diện tích cây lê xanh lên đến gần 100ha, những năm gần đây khí hậu nóng dần lên, một số cây già cỗi đã chết, trong khi lê xanh không phải chỗ nào cũng trồng được, người dân chưa có kinh nghiệm trong việc cải tạo, nhân giống, chủ yếu lấy hạt gieo nên diện tích suy giảm xuống còn hơn 15 ha.
Chính vì vậy huyện Bắc Hà quan tâm giữ gìn, phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xoá nghèo, nâng cao đời sống đồng bào Mông.
Quan tâm phát triển giống lê xanh bản địa
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Thực hiện đề án cải tạo và phát triển vùng cây ăn quả có nguồn gốc giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025 gắn với du lịch, huyện Bắc Hà xác định các loại cây mận tam hoa, tả van, lê VH6 và lê xanh hay còn gọi là lê địa phương là sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, đối với cây lê xanh đã trồng mới hơn 90 ha cây lê xanh tại các xã trung và thượng huyện. Hiện toàn huyện có hơn 110 ha cây lê xanh, trong đó, có trên 15 ha đã và đang cho thu hoạch.
Đặc biệt đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Hà tổ chức trồng cây lê xanh cổ thụ tại Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà. Việc di thực cây lê xanh cổ thụ về Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà nhằm cụ thể hóa chủ trương lưu giữ và bảo nguồn gen bản địa làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng có giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lào Cai.
Mỗi khi hết tết, hết mùa hoa mận, đến với cao nguyên trắng Bắc Hà vẫn rực rỡ màu trắng tinh khôi, cành lê điểm hoa trắng, cuối hạ lê xanh trái chín, mùa hạ miền cao nguyên trong lành mát mẻ... thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và có thêm ấn tượng sâu đậm về đất và nguời vùng cao Bắc Hà.
Cây lê xanh là loại cây ăn quả đặc sản ở vùng ôn đới nước ta, chỉ trồng được ở khu vực vùng núi có độ cao từ 1.600 m so với mực nước biển trở lên, hiện nay chỉ còn tại các xã vùng cao khu vực thượng huyện Bắc Hà (Lào Cai) như xã Tả Văn Chư, Lùng Cải, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình.
Đây là loại quả có hình bầu dục, khi chín vỏ màu xanh, má phớt hồng, quả có trọng lượng từ 300 - 500g, thịt quả trắng, nhiều nước ăn ngọt, có vị thơm mát, năng suất cao, được mùa 1 cây lê có tuổi từ 8-15 thu từ 4 - 6 tạ quả.