"Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông gợi ý trong buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, do Hội tin học TP HCM (HCA) tổ chức chiều 15/7 tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Ông phân tích rằng, thế giới cần cách tiếp cận mới về mạng xã hội. Chính người dùng phải được chia sẻ giá trị mà mạng xã hội đó tạo ra. Họ phải được tham gia quyết định luật chơi và được bảo vệ trên đó. Mạng xã hội là một xã hội nên các giá trị đạo đức căn bản của con người cần được tôn trọng và phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia.
"Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết lý của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa. Đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra được chia sẻ chứ không đổ về cho một người", ông Hùng nói..
Với công cụ tìm kiếm, khi tìm thông tin thì sau một câu hỏi sẽ có hàng trăm nghìn câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, trong số các đáp án, cần một câu trả lời có độ tin cậy để dùng được, nhất là những người không có chuyên môn.
Hai gợi ý trên nằm trong chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, để đẩy nhanh việc chuyển đổi số thì phải đi bằng con đường phát triển những nền tảng để dùng chung.
"Cách tiếp cận là tạo ra nền tảng. Mỗi đơn vị tạo một nền tảng cần thiết để phổ cập chuyển đổi số đến mọi nơi chứ không thể đi gõ cửa từng nhà, chuyển đổi số riêng lẻ cho từng doanh nghiệp", ông nói.
Ví dụ, tạo một nền tảng chung để các cơ quan báo chí sử dụng thì sẽ tiếp cận người đọc và chuyển đổi số rất nhanh. Hay như công ty bán phần mềm kế toán thì nay chuyển sang cung ứng dịch vụ kế toán để các hộ kinh doanh nhỏ, vùng sâu vùng xa có thể làm kế toán mà không cần thuê nhân lực chuyên môn. Những điều này đã có doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Hạt nhân để triển khai quá trình chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, là các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, được chia thành 4 nhóm. Thứ nhất, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn có năng lực tài chính, thị trường, quản trị chuyển sang làm doanh nghiệp công nghệ, như Viettel, Vingroup. Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ đã làm trong nghề nhiều năm nhưng phần nhiều là gia công lắp ráp nay tham gia làm sản phẩm 'Make in Vietnam'. Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ đến mọi ngóc ngách trong xã hội. Thứ tư, các startup có đột phá về đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh. Cả 4 có vai trò riêng trong quá trình chuyển đổi số.
"Chuyển đổi số mang đến cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh, đi đầu và có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là tư duy", Bộ trưởng nói văn hóa người Việt là thích ứng nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và ứng dụng cái mới nên cũng là lợi thế trong quá trình chuyển đổi số.
Người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông cũng thông báo Bộ sẽ ra chính sách về cơ chế sandbox. Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.
TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) ủng hộ quan điểm của Bộ Thông tin Truyền thông về việc sớm ra chính sách cho cơ chế sandbox. Ông đề xuất nên có chương trình phát triển thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ do Bộ chủ trì và cần định vị Việt Nam là trung tâm nhân tài công nghệ cho khu vực và thế giới.
Trong khi đó, một số ý kiến khác đề cập tới sự hỗ trợ của nhà nước trong việc xác nhận uy tín cho doanh nghiệp nội địa khi tiến ra thị trường thế giới; khả năng tiếp cận với các dự án tư vấn công nghệ lĩnh vực công; thu hút nhân tài; kết nối giữa trường viện và doanh nghiệp.