Trang trại nuôi lợn rừng của ông Nhàn theo hình thức bán hoang dã, cho ăn thức ăn tự nhiên
Lợn rừng ngon đắt hàng
Nhiều năm trước, thu nhập của cả gia đình ông Nhàn đều chỉ trông chờ vào vài sào lúa, khó khăn vô cùng khi đàn con “trứng gà, trứng vịt” đến tuổi ăn học. Tình cờ xem ti vi giới thiệu về mô hình nuôi lợn rừng theo quy trình an toàn sinh học cho thu nhập cao, ông Nhàn muốn gây dựng thương hiệu lợn rừng sạch.
Mày mò tìm hiểu, đồng thời trực tiếp tham quan một số trang trại nuôi lợn rừng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, năm 2008, ông Nhàn thử nuôi 2 con lợn rừng. “Lúc đầu, tôi quây 1 góc vườn vừa thả vừa nhốt cho lợn quen dần, rồi sau đó chuyển sang chăn nuôi theo hình thức bán hoang dã. Tôi ở miền núi, đất đai rộng rãi nên dành riêng 1 khoảng làm sân cho lợn vận động, tắm nắng”, ông Nhàn cho biết.
Đàn lợn ngày càng sinh trưởng và phát triển tốt, nuôi 8 tháng đạt 25 - 35kg/con có thể xuất bán thương phẩm với giá cao gấp 3 – 4 lần so với lợn thịt thông thường. Có chút vốn liếng trong tay, ông Nhàn nghĩ ngay đến việc phải gây đàn lợn rừng bố mẹ. Ông Nhàn tìm đến trang trại nuôi lợn rừng Hoa Viên ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội để mua những con lợn rừng bố mẹ có gen thuần chủng đem về nhân giống. Ông Nhàn chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng gọn, 4 chân chắc khỏe, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt.
Ông Nhàn cho biết: “Lợn rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 8-10 con. Lợn con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Quá trình đẻ diễn ra tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người”.
Hiện, gia đình ông Nhàn thường xuyên duy trì từ 10 – 20 con lợn rừng bố mẹ và 150 con lợn rừng thương phẩm mỗi năm. Nuôi lợn rừng với quy mô khá lớn, nhưng ông Nhàn xuất bán vô cùng thuận lợi. Các nhà hàng, khách sạn đánh xe tải về tận nhà bắt lợn. Năm 2016, ông xuất bán gần hơn 100 con lợn rừng, với giá từ 130.000 – 180.000 đồng/kg thu về 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông còn thu về 200 triệu đồng.
Thành công từ bí quyết riêng
Ông Nhàn tiết lộ: “Để miếng thịt lợn rừng bì dày, giòn sừn sựt, thịt nhiều nạc thơm, ngọt tự nhiên, khách hàng ăn 1 lần nhớ mãi, ngoài chọn con giống chất lượng, người nuôi phải có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn rừng”.
Ngay từ đầu nuôi lợn rừng, ông Nhàn áp dụng phương thức bán hoang dã và kiên quyết không dùng cám công nghiệp. Tuy nhiên, do lúc đầu chưa có kinh nghiệm nuôi lợn rừng nên tỷ lệ mỡ nhiều, khách hàng không hài lòng.
“Người nuôi lợn rừng phải biết chia tỷ lệ thức ăn tinh bột phù hợp cho lợn. Nếu cho ăn nhiều tinh bột như gạo, ngô … thịt lợn sẽ nhiều mỡ. Hiện tôi đang áp dụng khẩu phần ăn cho đàn lợn rừng là 95% là rau, củ, quả các loại (được sản xuất tại trang trại), 5% là cám, gạo, bã bia, cám mỳ… Áp dụng cách nuôi lợn rừng này, thời gian xuất bán đàn lợn lâu hơn nhưng chất lượng thịt lợn rừng thơm ngon. Có bao nhiêu lợn rừng, ông cũng bán hết veo trong 1 nốt nhạc”, ông Nhàn vui vẻ nói.