dd/mm/yyyy

Nuôi gà Ai Cập “lợi kép” nhờ sử dụng chế phẩm sinh học

Đầu năm 2000, gia đình anh Phương ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đã chính thức đưa chế phẩm sinh học BALASA N01 vào tạo đệm lót sinh học để chăn nuôi gà Ai Cập.

Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học để tạo đệm lót sinh học nuôi gà Ai Cập, gia đình anh Nguyễn Văn Phương đã không chỉ giải quyết được môi trường trong chăn nuôi, mà còn giúp đàn vật nuôi của anh luôn sạch bệnh và phát triển tốt.

“Ban đầu thử nghiệm còn khá lúng túng, sau quá trình sử dụng thấy hiệu quả nên vợ, chồng tôi đã nhân rộng ra cả trang trại. Đến giờ, chúng tôi đã thành công, các lứa gà bố mẹ, gà giống năm nào cũng khỏe mạnh và phát triển tốt, sản lượng gà giống đưa ra thị trường ngày một tăng cao hơn. Trung bình mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hàng tỉ đồng”, anh Phương chia sẻ.

Chia sẻ về việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà Ai Cập, anh Phương cho rằng: “Để sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học BALASa N01 để tạo đệm lót sinh học, việc đầu tiên cần làm là chủ trang trại phải chú ý đến nền chuồng, có thể láng xi măng hoặc lát gạch. Nếu chuồng làm mới nên làm nền chuồng đất nện, không láng lát phù hợp hơn và giảm chi phí xây dựng”.

Bà con chú ý độ dày đệm lót chuồng phải có sự phân loại rõ ra 2 loại là độ dày đệm lót đối với gà úm, nuôi thịt, gà giống: 7 - 10 cm. Độ dày đệm lót đối với gà mái đẻ nuôi trên lồng tầng: 20 - 30 cm.

Theo anh Phương, khi áp dụng đệm lót sinh học vào nuôi gà, bà con phải để ý đến nguyên liệu làm chất độn cho chuồng. “Cách lựa chọn nguyên liệu làm đệm lót phải là các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà. Có thể kể đến các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía...

Khi tiến hành làm, anh Phương khuyến cáo bà con cần rắc men trực tiếp lên đệm lót với công thức cứ 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho đệm lót có diện tích từ 35 m2 trở xuống.

Khi làm, bà con cần làm theo 4 bước. Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dầy 10 cm (gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi. Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7 - 10 ngày đối với gà nuôi úm, 2 - 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men. Bước 3: Chuẩn bị bột men bằng cách trộn đều 1 kg BALASA N01 với 1 kg bột sắn khô (cẩn trọng khi dùng bột ngũ cốc khác vì dễ bị mốc gây nguy hiểm cho gà). Bước 4: Rắc đều hỗn hợp men trộn sắn lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

Cũng theo anh Phương, khi làm mô hình trên, bà con cần chú ý, làm đệm lót nền chuồng có diện tích từ 35 – 50 m2 cần trộn BALASA N01 với bột ẩm, ủ chỗ ấm để lên men với mục đích làm tăng lượng men để có thể sử dụng cho diện tích chuồng nuôi rộng hơn, giảm chi phí men.

“Nhưng nếu diện tích chuồng nuôi nhỏ hoặc không muốn ủ men phức tạp thì rắc men thẳng. Làm đệm lót bằng mùn cưa giống như làm bằng trấu. Nếu mùn cưa khô bụi thì phun nước sạch cho hơi ẩm, nhưng nếu nuôi gà bằng lồng thì không cần phun ẩm”, anh Phương nói.

Đăng Hải