Gà ác được biết đến là giống gà có giá trị dinh dưỡng cao, đây cũng là loại thực phẩm bổ dưỡng có tác dụng bổ gan thận, ích khí huyết… thường dùng như một vị thuốc để chữa bệnh. Loại gà này giá bán bao giờ cũng cao và được nhiều người tìm mua trong mọi thời điểm. Nắm bắt được điều này, chị Minh (Sông Công, Thái Nguyên) đã đầu tư và phát triển mô hình nuôi gà ác.
Chị kể cách đây 2 năm, chị biết và nuôi gà ác như một sự sắp đặt sẵn, mọi thứ đến với chị đều tình cờ. Từ đó, chị dành cả tâm huyết, sức lực của mình để chăm sóc chúng. Đến nay, chị nuôi khoảng gần 3000 con gà trưởng thành, thu nhập gia đình chị ổn định hơn nhiều, mỗi tháng có khoảng 20-25 triệu đồng.
Thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nuôi và chăm sóc. Vì gà ác thuần chủng không hợp khí hậu miền Bắc, mùa đông rất dễ bị bệnh và chết. Không chỉ thế, loại gà này phải tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ thì chúng mới phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, vào mùa đông, chị cho biết người nuôi cần vệ sinh chuồng trại tránh ẩm ướt, không để gió lùa và phải thắp bóng sưởi.
Theo chị Minh, phân biệt gà ác thuần chủng và lai khá đơn giản, chỉ cần nhìn màu lông là có thể nhận ra. (Bên trái là gà ác thuần chủng, bên phải là gà ác lai).
Bên cạnh đó, khi mới bắt đầu vào nuôi, chị không phân biệt được gà thuần chủng và gà lai. Vì thế, chị nhập giống về không chuẩn, gà yếu và rất khó nuôi. Sau này, chị tìm hiểu và biết được trại giống trong miền nam đạt chuẩn, giống thuần chủng nên con giống khỏe hơn, dễ nuôi hơn. Thời điểm đó chị cũng bị lỗ khá nhiều.
Sau này, chị có kinh nghiệm hơn trong việc nuôi gà ác và bắt đầu mở rộng mô hình. Mọi thứ thuận lợi hơn rất nhiều, mỗi tuần chị xuất bán hàng ngàn con giống và không đếm được những con gà thương phẩm.
“Tôi bán con giống và gà choai (gà để hầm). Đối với con giống, tôi bán giá 9.000 đồng/con, còn loại gà hầm chỉ cần nuôi 50 ngày là bán được giá 110.000 đồng/kg. Đây đều là giá bán buôn chứ không phải bán lẻ”, chị chia sẻ.
Theo chị, gà ác giá rất ổn định, quanh năm ngày tháng chỉ một giá. Dù các loại gà khác mất giá, loại gà này vẫn giữ mức này. Và số lượng gà chưa bao giờ đủ để cung cấp ra thị trường. Những người mua lẻ muốn mua đều phải dặn trước mới có.
Chị cho hay việc xử lý phân gà cũng là điều khiến nhiều hộ gia đình nuôi gà phải đau đầu. Vì thế, chị đã xử lý bằng cách nuôi ruồi lính đen để ăn phân gà. Điều này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phần khác ấu trùng của ruồi lính đen sẽ cung cấp thức ăn cho cá.
Điều chị muốn lưu ý nhất cho những người mới chăn nuôi đó là việc phân biệt gà ác thuần chủng và gà ác lai. Theo đó, việc phân biệt này không quá khó khăn, chỉ cần nhìn qua màu lông là cũng nhận biết được. Đó là loại gà thuần chủng có màu lông trắng, còn gà ác lai sẽ có màu đen. Ngoài ra, gà ác thuần chủng có trọng lượng nhẹ hơn, con trưởng thành chỉ từ 1-1,3kg/con; còn các con gà trưởng thành của loại lai sẽ có cân năng từ 1,5 – 2,2kg/con.
Không chỉ thế, gà ác thuần chủng chân sẽ có 5 ngón, còn loại lai thì có con 4 ngón, con 5 ngón. Về chất lượng, gà ác lai thịt không ngon, bị nhão, còn những con gà ác thuần chủng ăn sẽ cảm nhận được vị thơm, ngon và rất chắc thịt. Tuy nhiên, vị của chúng phải người sành ăn mới có thể cảm nhận và phân biệt được.
Theo đó, chị Minh chỉ chăn nuôi giống gà ác thuần chủng để cung cấp ra thị trường. Với mô hình này, mỗi năm chị thu về tiền lãi hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, vốn ban đầu chỉ bỏ ra chỉ khoảng 30 triệu đồng. Nhận thấy lợi nhuận cao, chị dự định đầu năm tới sẽ mở rộng trang trại để tăng thêm thu nhập.