Cuối năm 2015, thủy điện Huội Quảng hoàn thành việc xây dựng, đi vào phát điện. Khai thác lợi thế từ vùng lòng hồ rộng lớn, trong đó diện tích thuộc địa bàn xã Ta Gia là 385,6 ha, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư làm lồng nuôi cá, tạo thêm thu nhập.
Ông Lò Văn Chài - Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho hay: "Khi lòng hồ thủy điện Huội Quảng tích nước cũng là lúc người dân nơi đây có thêm cơ hội phát triển nghề đánh bắt thủy sản, nuôi thả cá lồng. Tận dụng lợi thế lòng hồ rộng lớn, nguồn nước dồi dào, ổn định, xã Ta Gia đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân các bản ở vùng ven hồ phát triển nghề nuôi cá lồng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, trong đó có đề án phát triển vùng nuôi thủy sản, được xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiều hộ dân được hỗ trợ làm lồng nuôi thả cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng".
Để nghề nuôi cá lồng thực sự phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, xã Ta Gia chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật làm lồng, chăm sóc cá cho bà con. Mặt khác, xã Ta Gia tổ chức cho người dân các bản đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Chị Lường Thị Thảo, bản Khem, xã Ta Gia hồ hởi nói: "Lúc đầu tôi cũng chưa tin mấy về hiệu quả từ làm lồng nuôi thả cá trên lòng hồ đem lại. Chỉ sợ thả cá xuống rồi chúng không sống được, thì lại rước thêm nợ vào người. Khi thấy đàn cá: Trắm, chép, rô phi nuôi thả dưới lồng lớn nhanh lại không bệnh tật gì cả, vợ chồng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi cho chúng ăn đều đặn mỗi ngày. Nước hồ thủy điện này khá trong mát và sạch, phù hợp cho các loại cá sinh trưởng và phát triển. Nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện gia đình tôi có 6 lồng nuôi thả các loại cá: Trắm, chép và rô phi. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu gần 100 triệu đồng từ bán cá thương phẩm ra thị trường. Vì đầu ra không mấy ổn định nên gia đình tôi không dám đầu tư thêm lồng để nuôi thả cá trên lòng hồ".
Đến thời điểm này, toàn xã Ta Gia có hơn 100 lồng cá, sản lượng đạt gần 100 tấn/năm. Tùy vào mỗi loại cá, người dân bán ra thị trường với giá khác nhau, dao động từ 35.000 - 70.000 đồng/kg. Không chỉ nuôi cá lồng, nhiều người dân trong xã còn đầu tư công cụ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Mỗi năm, người dân trong xã cũng đánh bắt được vài chục tấn cá, tôm các loại, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo tính toán của các hộ dân nuôi cá lồng ở xã Ta Gia, 1 lồng cá có thể cho lãi từ 10 -15 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng lồng cá ở Ta Gia hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sở dĩ, người dân xã Ta Gia chưa mạnh dạn đầu tư thêm lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng là vì đầu ra không ổn định. Hơn nữa, việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện cũng có không ít rủi ro, nhất là vào mùa mưa lũ.
Chị Thảo và các hộ gia đình nuôi cá lồng ở xã Ta Gia mong muốn huyện Than Uyên, xã Ta Gia có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm đầu ra ổn định cho cá thương phẩm để nghề nuôi cá lồng ở xã Ta Gia phát triển bền vững hơn.