Người dân ở xóm Gò Lào, xã Phúc Sạn đa phần là các hộ di dân vén dành đất cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Những năm trước đây, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy người dân. Tuy nhiên, từ ngày chuyển sang nuôi cá đặc sản, cuộc sống của bà con đã thay đổi từng ngày.
Anh Mai Văn Hàn là một trong những hộ tiên phong trong việc nuôi cá lồng trên lòng hồ. Anh đã mạnh dạn vay tiền, dựng lồng, mua cá giống về nuôi. Giống cá anh kì công nuôi suốt mấy năm qua là cá bỗng ( hay còn gọi là cá dầm xanh, cá thần Thanh Hóa).
Hiện anh Hàn có 10 lồng cá, trong đó có 8 lồng nuôi cá bỗng. Mỗi lồng anh thả khoảng 200 con. Theo anh Hàn giống cá bỗng rất dễ nuôi. Thức ăn cho chúng là ngô bung và cỏ. Mỗi ngày anh cho ăn 2 lần, sáng và tối. Cá bỗng lớn chậm, mỗi năm chỉ tăng khoảng 1kg.
Cá bỗng lớn chậm, nhưng chúng lại kháng bệnh tốt và bán được giá. Hiện anh Hàn đang xuất cá với giá tại bè là 120.000đ/1kg. Dẫn tôi đi thăm lồng cá, anh Hàn không giấu được niềm vui: "Năm nay, cả 7 lồng cá bỗng của tôi đều có thể xuất được. Cá bỗng thịt rắn, thơm ngon. Khách toàn xuống tận bè mua cá về ăn".
Sau nhiều năm nuôi cá bỗng, anh Hàn phát hiện ra một điều vô cùng thú vị về loài cá thần này. Vây và vẩy của cá bỗng biến đổi theo màu mây. Mây màu xám hay màu vàng hoặc đỏ ối thì vây cá bỗng đều biến đổi theo. Đặc biệt là vào những ngày nắng, nhìn đám cá thần này bơi tung tăng trong lồng với đủ sắc màu.
Toàn xã Phúc Sạn có cả trăm hộ nuôi cá. Ngoài nuôi cá bỗng, họ còn nuôi cá trắm đen, lăng, chiên... Nuôi cá đã mang lại cuộc sống ấm no cho bà con. Mỗi năm xã cung cấp ra thị trường cả nghìn tấn cá các loại.