Hơn 10 năm nay gia đình anh Trần Văn Đạt (thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) gắn bó với nghề nuôi cá chình, mô hình nuôi cá chình trên sông đã giúp cho kinh tế của gia đình anh Đạt ổn định hơn so với trước, bình quân mỗi năm trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.
Đang loay hoay lấy thức ăn cho đàn cá chình, anh Trần Văn Đạt phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm cá chình từ năm 2006, số lượng vỏn vẹn chỉ có 200 con, vừa nuôi lứa đầu tiên nên lo lắng cho sự phát triển của loại cá chình mới này. Niềm vui đã đến với tôi rất bất ngờ, sau thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật lứa đầu tiên đã có lãi hơn 40 triệu đồng”. Như tiếp thêm động lực, các lứa cá tiếp theo anh thả số lượng nhiều hơn, vừa nuôi anh tiếp tục đúc kết thêm kinh nghiệm để áp dụng cho đàn cá của mình. Tính cần cù, chịu khó học hỏi đã đem lại cho anh thành công ngoài mong đợi.
Anh Đạt đang cho cá chình ăn
Năm nay, anh Đạt thả nuôi với số lượng 1.000 con, đến nay cá đã nuôi được hơn 7 tháng phát triển khá tốt, tỷ lệ cá sống đạt trên 92%, cá phát triển đồng đều, trọng lượng đạt 0,8 – 0,9kg/con, lứa cá này dự kiến khoảng hơn 4 tháng nữa sẽ cho thu hoạch và chắc chắn có lãi. Anh cho biết, cá chình rất ưa thích với cá tạp, ốc, cá con, tôm, tép và nguồn thức ăn này luôn sẵn có ở địa phương nên chi phí ít tốn kém. Cá chình dễ nuôi, phát triển nhanh, thích hợp với những nơi có nước chảy nhẹ, do chi phí thấp nên người nuôi dễ có lãi.
Ước tính bình quân mỗi con cá nuôi gần 1 năm sẽ đạt trọng lượng 1 – 1,5kg, giá bán dao động từ 380.000 – 420.000 đồng/kg. Trừ chi phí mỗi con lãi trên 100.000 đồng/con, mỗi năm anh xuất bán gần 1.000 con tính nhẩm lãi gần 100 triệu đồng. Anh tiết lộ với chúng tôi, cá chình cứ đến kỳ thu hoạch được các thương lái ở TP.Hồ Chí Minh ra bao tiêu ngay tại chỗ nên không lo đầu ra, hiện số lượng cung không đủ cầu.
Theo anh Đạt, bí quyết để cá nuôi đạt tiêu chuẩn phải thường xuyên làm vệ trong khung nuôi cá, cá nuôi trong thời gian từ 1,2 – 1,5 tháng phải tách ra để tiện chăm sóc. Khi cá còn nhỏ thức ăn cho cá phải được cắt nhỏ để cho cá dễ tiêu, cá phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 25 – 30 độ C. Hiện anh nuôi theo độ sâu của mặt nước 1,2m, nuôi theo hình thức nửa chìm, nửa nổi, thời gian cho cá ăn buổi sáng hoặc buổi chiều, mỗi ngày 1 lần. Hay tin mô hình cá chình đang có hiệu quả nên nhiều bà con xung quanh đã đến học tập cách nuôi.
Anh Trần Như Hổ - Phó chủ tịch Hội nông dân thị trấn Diên Khánh cho biết thêm, mô hình nuôi cá chình đang mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều hội viên nông dân, bởi mô hình nuôi không tốn nhiều diện tích và rất thích hợp với điều kiện sẵn có tại địa phương. Anh nhận thấy, cá chình nuôi cũng ít tốn chi phí, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ mạnh nên người nuôi cá chình sẽ có lãi cao. Nuôi cá chình không những cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi đời sống của người dân. Sắp tới, Hội nông dân thị trấn sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nông dân tham quan học tập để đẩy mạnh phát triển cá chình trên sông Cái.