dd/mm/yyyy

Nuôi cá cảnh - làm chơi, ăn thật

Cá xiêm là loài cá có nhiều màu sắc sặc sỡ, nên được mệnh danh là hoàng hậu sắc màu. Còn với cá ông tiên, khi nuôi không cần đầu tư nhiều thời gian, thức ăn chính là cám viên, rất thuận lợi.

Vốn là nông dân chính gốc, gắn bó với bờ ao ruộng vườn đã lâu, đến năm 2000, khi thấy người chị họ nuôi cá cảnh cũng “hay hay”, chị Lê Thị Ngọc Huyền (ảnh, 41 tuổi, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) cũng tập tành nuôi thử cho vui. Nào ngờ, khi bắt tay vào nuôi, chị lại mê nghề và gắn bó, đến nay đã có gần 2 thập niên “ăn, ở và sống cùng cá cảnh”.

Cá cảnh (ảnh minh họa)

Chị Huyền kể, khi mới bắt đầu nuôi kinh nghiệm chưa có, chị cố gắng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, từ những buổi tập huấn về cá cảnh do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân địa phương tổ chức, rồi nghề dạy nghề, đến nay đã “quen tay”. Ban đầu chị nuôi cá bảy màu, sau chuyển sang cá ông tiên và xiêm thái (betta), vì đây là 2 loại cá dễ nuôi, dễ chăm sóc.

Đối với cá ông tiên, khi nuôi không cần đầu tư nhiều thời gian, thức ăn chính là cám viên, rất thuận lợi. Còn về cá xiêm, thức ăn chính là lăng quăng, bo bo, nên cũng dễ dàng kiếm nguồn thức ăn.
Thị trường cả 2 loại cá này luôn dồi dào, vì vậy chị mạnh dạn đầu tư xây hồ lót đáy bạc với diện tích 600m2 để nuôi. Với diện tích đó, chị Huyền chia ra thành 10 hồ lớn nuôi cá ông tiên và 7 hồ nhỏ nuôi cá xiêm.

Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi từng loại, chị không ngại chia sẻ. Với cá ông tiên là loài cá này sống dai, nhưng để cho ra con giống tốt thì phải đầu tư.

Một cặp cá giống đẻ khoảng 1.000 con, một tháng có thể đẻ nhiều lần, nhưng nếu để tự nhiên như vậy thì cá sẽ không được đẹp, sức khỏe yếu.

Tốt nhất chỉ cho đẻ 2 lần/tháng, mỗi lần lấy khoảng 700 con, vì nếu nuôi mật độ dày quá sẽ dễ khiến cá bị bệnh, nhất là hay bị ghẻ. Khâu nuôi cá đẻ cũng rất quan trọng, cứ mỗi cặp cá bố mẹ lựa chọn một cặp cá đẻ mới; mang những cặp này trộn chung với nhau, rồi bắt từng cặp ra mỗi hồ để không xảy ra trùng huyết.

Cá xiêm là loài cá có nhiều màu sắc sặc sỡ, nên được mệnh danh là “hoàng hậu sắc màu”. Tuổi thọ trung bình của một con cá xiêm từ 2 - 3 năm và chúng có sức sống khá dẻo dai, ít khi bị đuối sức khi vận chuyển đường xa.

Để tăng giá trị đàn cá, người nuôi phải phối giống cá bố mẹ sao cho cân đối màu sắc và hài hòa về tỷ lệ đuôi, vây. Yếu tố này chỉ có được khi người nuôi thực sự đam mê, kiên nhẫn và chịu học hỏi.
Kinh nghiệm thực tế cộng với niềm say mê đã giúp chị thêm động lực để gắn bó với nghề và có thu nhập kha khá từ nghề. Theo chị Huyền, đây là nguồn thu nhập chính để chị chi phí cho sinh hoạt gia đình và lo cho 2 con ăn học đến đại học như hiện nay. Trung bình, chị thu 130 - 150 triệu đồng/năm.

“Tôi thấy đây là một trong những nghề giúp ổn định kinh tế. Nếu ai thật sự yêu nghề thì nên cố gắng học hỏi thực hiện. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị như hiện nay”, chị Huyền chia sẻ.

Gia Kiệt