dd/mm/yyyy

Nữ 8X nuôi bò “6 không”, mơ về dòng sữa sạch

Sinh năm 1986, mới bước vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa được 4 năm nhưng Trần Thị Thanh Thoan đã ghi được dấu ấn thật đáng nể: Một trang trại chăn nuôi rộng 7ha, một cơ sở chế biến hiện đại. Nhưng để đạt được thành công đó, con đường của Thoan không chỉ có hoa hồng.

Ngã rẽ bất ngờ

Bất kỳ ai khi tiếp xúc với Thoan lần đầu cũng sẽ ấn tượng bởi sự giản dị. Cô giản dị trong từng lời nói, trong cả sự rụt rè khi chia sẻ về chặng đường gian nan, vất vả đã qua, về những dự định lớn lao sắp tới. Nhưng được chứng kiến những gì Thoan trải qua, những gì cô gái trẻ này đã làm được, sẽ thấy đằng sau khuôn mặt hiền lành đó, đằng sau nụ cười dễ mến đó, là một con người mạnh mẽ, không dễ chấp nhận thất bại và luôn kiên định với con đường đã chọn.

Trần Thị Thanh Thoan tự tay phối trộn thức ăn cho bò trong trang trại.
Trần Thị Thanh Thoan tự tay phối trộn thức ăn cho bò trong trang trại.

Đáng lẽ Thoan đã có một công việc ổn định giữa Thủ đô khi cô đã từng làm kế toán cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Vậy nhưng ý tưởng phát triển một thương hiệu sữa bò của riêng mình vẫn luôn nung nấu trong đầu cô gái trẻ, cũng bởi quê của Thoan, xã Mộc Nam (Duy Tiên, Hà Nam) vốn là vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, người dân nơi đây dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn gắn bó với nghề.

“Nhiều năm nay, người dân quê tôi vẫn chăn nuôi theo cách truyền thống, chủ yếu cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho các nhà máy chế biến mà chưa có ai mở cơ sở chế biến hiện đại, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm sữa quê nhà. Trong khi đó, mỗi lần về quê, được uống những giọt sữa

“Hanamilk không đối đầu với những sản phẩm sữa đã có chỗ đứng vững chắc mà sẽ định nghĩa lại thị trường theo tâm lý của người tiêu dùng đang mong muốn, đó là một sản phẩm tự nhiên, không chất bảo quản, truy xuất nguồn gốc và quy trình được trực quan về hình ảnh chứ không đơn thuần về mặt thông tin”. Trần Thị Thanh Thoan

do đàn bò Mộc Nam tiết ra, tôi cảm nhận rõ được vị thuần khiết, nguyên bản mà không một loại sữa chế biến công nghiệp nào có được. Từ đó, quyết tâm xây dựng một trang trại chăn nuôi bò sữa khép kín càng lớn dần trong tôi” – Thoan chia sẻ.

Lúc đó, điều làm Thoan băn khoăn nhất là chồng cô đang có một công việc khá thuận lợi với thu nhập ổn định ở Hà Nội. Rất may là khi chia sẻ ý định này, chồng Thoan lại hoan toàn ủng hộ. Vậy là cuối năm 2013, đầu năm 2014, Thoan cùng chồng về quê nhà, đặt những viên gạch đầu tiên cho thành quả của hôm nay. Sau khi đấu thầu một diện tích đủ lớn để trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho bò, chuẩn bị hạ tầng, 21 con bò đầu tiên được Thoan mua về, tung tăng trên đồng cỏ rộng 7ha, sau 3 tháng, Thoan mua thêm 14 con. Chỉ sau 6 tháng, Thoan thu được những dòng sữa đầu tiên từ những cô bò hiền lành, có thời điểm, doanh thu từ sữa nguyên liệu của gia đình Thoan đạt 100 triệu đồng/tháng.

Ngay từ đầu, Thoan đã xác định cho mình một con đường chăn nuôi khác, không giống với những gì nông dân Mộc Nam làm từ nhiều năm nay, với tham vọng sản phẩm của mình phải giữ được vị mộc của sữa tươi, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc.

“Điều gì khiến Thoan gặp khó khăn khi thực hiện tham vọng này?” – tôi hỏi – “Đó chính là kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi. Khi mới bắt đầu, kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa của tôi là con số không. Tôi phải học hỏi những kiến thức chăn nuôi mới, cộng với kinh nghiệm của những người đi trước, rồi tự tìm ra công thức phối trộn thức ăn hợp lý cho đàn bò sữa có mình” – Thoan nói.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Hanamilk.
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Hanamilk.

Nhưng thực tế lại không đơn giản như những gì Thoan học trên sách vở và cô gái trẻ đã phải nếm trải những thất bại đầu tiên ngay khi mới bắt đầu. Đó là thời điểm năm 2015 – 2016, khi đàn bò sữa của Thoan cứ tự nhiên yếu dần, bị mắc các bệnh về móng rồi chết. Hoặc khi đưa sữa nguyên liệu vào chế biến thì sữa bị đông. Có những thời điểm, 8 con bò lăn ra chết, không chỉ thiệt hại một số tiền không nhỏ, Thoan còn cảm thấy hoang mang vì lựa chọn của mình, có những lúc quá mệt mỏi, cô thậm chí còn muốn buông tay.

Sau những thất bại, điều tôi nhận ra là phải lắng nghe từng cơ thể bò và cảm nhận nó đang cần gì. Công thức phối trộn thức ăn và các loại vitamin trên sách vở là vậy nhưng nhu cầu của mỗi con bò một khác, rồi lượng thức ăn ấy đã phù hợp chưa, có giúp bò chống lại thời tiết khắc nghiệt không. Rất may là cuối cùng tôi cũng tìm ra được công thức đó, giúp đàn bò phát triển ổn định” – Thoan chia sẻ.

Sau khi nếm trải không ít thất bại, bây giờ Thoan đã tạm yên tâm về sự phát triển của đàn bò, hiện tổng đàn bò trong trang trại ổn định ở 50 con cho sữa đều đặn.

Khoảng hơn 1 năm trở lại đây Thoan không phải thót tim chứng kiến sự thay đổi lạ trên cơ thể đàn bò, trong không gian đồng cỏ mênh mông, những cô bò sữa cứ thế tiết sữa đều đặn. Vào mùa đông, lượng sữa nguyên liệu đạt khoảng 300 – 400 kg/ngày; mùa hè con số có thể lên đến 1 tấn. Nguồn vốn Thoan đổ vào dự án hơn 8 tỷ đồng, gồm vốn của gia đình và vay ngân hàng.

Sản phẩm của Hanamilk giữ được vị của sữa tươi nguyên liệu.
Sản phẩm của Hanamilk giữ được vị của sữa tươi nguyên liệu.

Thoan cho biết, điều làm nên sự khác biệt trong cách chăn nuôi tại trang trại của cô so với bà con xung quanh là Thoan kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào của thức ăn đến đầu ra sản phẩm nhờ quy trình “6 không”, đó là: Không sử dụng cám công nghiệp (vì trong thành phần cám có những chất khó kiểm soát như dư lượng kháng sinh, ngô, đậu tương biến đổi gen nên trang trại sử dụng thức ăn có kiểm soát và tự phối trộn); không hormone tăng trưởng; không thức ăn biến đổi gen (theo đó, nguồn thức ăn tinh như ngô được trồng trực tiếp tại trang trại còn đậu xanh được ký hợp đồng thu mua tại các hộ sản xuất bánh đậu xanh ở Hải Dương; không chất bảo quản, hương liệu; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu gom, xử lý thành phân bón cung cấp lại cho đồng cỏ. Tất cả quy trình này chỉ hướng đến một mục tiêu: Tạo ra dòng sữa sạch, giữ được vị nguyên bản nhất. Qua phân tích, lượng sữa từ đàn bò trong trang trại của Thoan có tỷ lệ khô béo khá cao, từ 3,8-4,6%.

Nhưng tham vọng của Thoan không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một trang trại chăn nuôi bò sữa mà hướng đến chế biến sâu. Chính vì vậy, năm 2015, Thoan thành lập Công ty CP Sữa Hà Nam (Hanamilk). Năm 2016, cơ sở của Thoan bắt đầu sản xuất các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa chua nếp cẩm. Dây chuyền đảm bảo chế biến hết lượng sữa nguyên liệu của trang trại. Thoan bảo, nhu cầu của khách hàng về những sản phẩm sữa thanh trùng, tự nhiên ngày càng lớn nên cô tin vào con đường mình chọn.

Hiện, công ty của Thoan đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm. Dự định trong năm tới, Thoan sẽ liên kết với các hộ chăn nuôi khác khu vực để xây dựng các trang trại vệ tinh cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Anh Thơ