dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Lai châu phát triển nghề nuôi ong lấy mật

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mô hình nuôi ong lấy mật cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển và mở rộng mô hình này.

Mô hình nuôi ong lấy mật trên đà phát triển

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.620 đàn ong của 145 hộ dân. Mỗi năm, sản lượng mật bình quân đạt từ 3 - 5 lít/đàn. Mô hình nuôi ong chủ yếu tập trung ở các huyện: Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè và thành phố Lai Châu.

Trong chuyến công tác ở Tam Đường, chúng tôi được giới thiệu đến thăm Hợp tác xã (HTX) Ong Vàng ở Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Qua trò chuyện, anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc HTX cho biết: Năm 2018, HTX Ong Vàng được thành lập với 7 thành viên tham gia. Ngày đầu thành lập, HTX có 300 đàn ong. Năm 2020, HTX liên kết với người dân nuôi 738 đàn ong tại 3 xã: Thèn Sin, Giang Ma và Khun Há. Để thành công với mô hình nuôi ong, HTX đã chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi dưỡng, tách đàn cho các thành viên và người dân nuôi ong. Đến nay, HTX có 846 đàn ong. Mỗi năm HTX thu 1.200 lít mật ong, với doanh thu trên 500 triệu đồng, đồng thời cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/lao động/tháng

Lai châu phát triển mô hình nuôi ong lấy mật - Ảnh 1.

Mỗi năm, HTX Ong Vàng thu 1.200 lít mật ong, với doanh thu trên 500 triệu đồng.(Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, sản phẩm mật ong của HTX Ong Vàng được khách hàng ưa chuộng, bởi chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm mật ong của HTX được khách hàng ngoài tỉnh quan tâm, đặt mua với số lượng lớn. Đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Sản phẩm mật ong của HTX sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đấy. Năm 2021, HTX Ong Vàng có sản phẩm mật ong đóng chai lục giác đạt OCOP 3 sao của tỉnh.

Thời gian qua, trên địa bàn xã Khun Há (huyện Tam Đường) số lượng đàn ong cũng trên đà phát triển mạnh.Toàn xã có hơn 500 đàn ong tập trung tại các bản: Sàn Phàng Cao, Lao Chải 1 và Lao Chải 2. Anh Lù A Giống ở bản Sàn Phàng Cao (xã Khun Há) chia sẻ: "Năm 2020, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường cấp cho 10 thùng ong. Qua tìm hiểu, học hỏi nhiều nơi, tôi đúc kết kinh nghiệm chăm sóc, nhân thêm ong chúa và tách đàn. Đến nay, tôi có 30 đàn ong phát triển tốt, cho mật nhiều, vàng tươi và thơm ngon. Năm qua, tôi bán ra thị trường với giá trung bình 140-150 nghìn đồng/lít, sau khi trừ chi phí tôi lãi 30 triệu đồng tiền, nhờ nuôi ong mà kinh tế gia đình tôi khá hẳn lên".

Lai châu phát triển mô hình nuôi ong lấy mật - Ảnh 2.

Nuôi ong tại vườn cây ăn quả.(Ảnh: Thanh Ngân)

Tại huyện Than Uyên, mô hình nuôi ong lấy mật được Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu (xã Pha Mu) được triển khai từ năm 2018 với 20 thùng ong ban đầu, đến nay Hợp tác xã Thanh niên Pha Mu đã phát triển lên 300 thùng ong. Ông Lò Văn Xuân ở bản Chít chia sẻ: "Nhận thấy mô hình nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao tôi đã tự nguyện đăng ký xin tham gia vào HTX Thanh niên Pha Mu. Tôi tận dụng diện tích vườn trồng các loại cây ăn quả tổng hợp của gia đình để làm vườn nuôi ong. Sau hơn vài tháng nuôi hiện ong đã quen dần và đang phát triển tốt. Tôi thấy rất hài lòng, từng ngày mong mỏi chờ đợi thành quả".

Lai châu phát triển mô hình nuôi ong lấy mật - Ảnh 3.

Thành viên HTX Thanh niên Pha Mu hướng dẫn người dân cách chăm sóc ong.(Ảnh: Thanh Ngân)

Qua tìm hiểu, trên địa bàn thành phố Lai Châu có 898 đàn ong đang trong thời điểm thu hoạch mật. Đàn ong được bà con nuôi ở trang trại, gia trại, dưới tán cây ăn quả. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi ong.

Để mô hình nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả

Theo một số người dân gắn bó với mô hình nuôi ong trên địa bàn tỉnh Lai Châu, kinh nghiệm vắt mật ong khi trời vừa mưa xong sẽ loãng nhạt, nắng gắt mật đặc quá khó vắt. Vì vậy, bà con lựa chọn thời điểm khô, mát để vắt mật ong. Nhờ đó, nông dân thu hoạch được mật ong ngon, màu vàng nhạt, vị ngọt thanh và hương thơm hoa phấn tự nhiên.

Lai châu phát triển mô hình nuôi ong lấy mật - Ảnh 4.

Để đàn ong phát triển, người dân đúc kết kinh nghiệm từ đóng thùng nuôi ong đúng kỹ thuật, duy trì 1 con ong chúa và nuôi từ 3 - 4 cầu.(Ảnh: Thanh Ngân)

Để đàn ong phát triển, người dân đúc kết kinh nghiệm từ đóng thùng nuôi ong đúng kỹ thuật, duy trì 1 con ong chúa và nuôi từ 3 - 4 cầu. Thời điểm từ tháng 2 - 3 (nhiệt độ ấm áp), người dân tiến hành nhân đàn bằng cách dùng ấu trùng non làm mũ chúa, sau khi mũ chúa được 9 - 10 ngày tiến hành tách đàn. Các thao tác tách đàn được bà con thực hiện nhẹ nhàng, tránh ong đánh nhau, làm mất ổn định đàn. Chủ đàn ong luôn chú trọng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn địa điểm, tạo chúa đến thu hoạch mật. Từ đó, đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh, tăng sản lượng mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với tín hiệu vui từ mô hình nuôi ong lấy mật đã mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất vườn trồng cây ăn quả, hoặc cây kém hiệu quả để nuôi ong, tạo thêm thu nhập cho bà con, từ đó phát triển thêm nhiều mô hình nuôi ong trên địa bàn trong tương lai.

Thanh Ngân-Phạm Hoài