Thời điểm này, khi những ruộng lúa nước ở huyện miền núi Ba Tơ đã được thu hoạch xong cũng là lúc người dân ở các bản làng nơi đây kéo nhau cầm rổ, man đụt (vật đựng bằng tre) đi xúc “đặc sản” nòng nọc.
Tại một đám ruộng vừa gặt, vớt số rơm nổi trên mặt nước để xúc nòng nọc, bà Phạm Thị Mê (45 tuổi), ở thôn Gò Khôn, xã Ba Dinh bày tỏ: “Không phải thiếu thức ăn nên phải đi bắt mà vì nòng nọc rất ngon và bổ”.
Theo nhiều người dân Ba Tơ cho hay: “Bình thường, mỗi hôm xúc được ít thì 200-400 gram/người, nhiều lên đến 500-700gram/người/ngày, hoặc hơn nữa. Trong khi nòng nọc của cóc da có màu đen thì nòng nọc của ếch, nhái da lại có màu sáng. Việc săn nòng nọc chỉ kết thúc khi tất cả các ruộng lúa nơi đây bắt đầu xuống giống trồng vụ mới”.
Nòng nọc sau khi bắt về được người dân mổ bỏ ruột rồi dùng muối rửa sạch. Sau đó để cho ráo mới mang đi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu canh với rau rừng; ướp với sả, ớt để xào, nướng…
Người đồng bào thiểu số Ba Tơ khẳng định: “Các loại thịt gà, vịt, trâu, bò…cũng không thể ngon và bổ dưỡng bằng nòng nọc. Ngoài ra, các đồng ruộng được bà con không sử dụng thuốc hóa học nên nòng nọc rất sạch”.
Số lượng bắt được ít và không phải lúc nào cũng có để bắt nên nòng nọc là “đặc sản” của đồng bào nơi đây.