Nhìn lại năm 2018, bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể của tỉnh Sơn La có những khởi sắc mạnh mẽ; trong đó, có sự bứt phá vượt trội của tam nông. Sự bứt phá ấy không chỉ nằm ở những khía cạnh thuần túy về năng suất cao, sản lượng lớn mà có một sự bứt phá về chiều sâu, tạo nên giá trị hàng hóa nông sản cao hơn, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh ước đạt 31.589 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,59% so với năm 2017; trong đó khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 12,63%. Tỉnh đã hoàn thành 27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2018; trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Sơn La đã tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư và đưa vào vận hành 7 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Đã có 15 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và đã công bố thương hiệu cho 6 sản phẩm trong năm 2018: Gạo nếp Mường Và – Sốp Cộp, táo sơn tra – Sơn La; khoai sọ Thuận Châu, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, chè Phổng Lái – Thuận Châu. Sơn La đã có 61 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La- ông Hoàng Sương, tâm sự: Chính nhờ những bứt phá vượt trội của tam nông nên trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều của Sơn La giảm tới 3,78% so với năm 2017 (hiện chỉ còn 25,44%), là mức giảm cao nhất trong 6 năm gần đây. Trong năm vừa qua, Sơn La đã tạo việc làm cho khoảng 23.000 lao động. Những cơ chế, chính sách thông thoáng và sự động viên, hỗ trợ, khích lệ kịp thời của tỉnh đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân thêm những cơ hội xóa nghèo, làm giàu chính đáng. Những mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh; từ vùng thuận lợi tới những vùng đặc biệt khó khăn.
Điều đáng nói là trước đây, những mô hình kinh tế hay, những nông dân giỏi chỉ tập trung chủ yếu ở 1 số dân tộc như: Kinh, Thái, Mường… thì nay đã có thêm nhiều hộ nông dân giỏi thuộc các dân tộc anh em trong tỉnh và cũng đã đa dạng hơn về loại hình, phong phú hơn về cấp độ...
Đến thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của ông Tráng A Cao (ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) vào ngày giáp tết, ông Cao cho biết: Người Mông ở Vân Hồ lâu nay vốn có cuộc sống khó khăn. Vùng cao này chẳng phải đợi đến mùa đông cũng đã thừa sương mù và giá lạnh. Vì thế, việc nuôi con gì, trồng cây gì để thoát được nghèo bao năm vẫn là nan giải. Thế mà, mấy năm gần đây, nhờ những định hướng đúng đắn của tỉnh, của huyện, sự vào cuộc quyết liệt của Hội Nông dân các cấp, nông dân Vân Hồ chúng tôi có cuộc sống khá hơn hẳn. Không chỉ hỗ trợ chúng tôi kinh nghiệm, giống, vốn mà những thủ tục hành chính cũng được cải cách rất mạnh. Chúng tôi lập tổ hợp tác, hợp tác xã làm nông nghiệp, làm dịch vụ đều được Nhà nước hướng dẫn, động viên; hỗ trợ rất nhiều. Dân bản chúng tôi trồng cây ăn quả, chanh leo hay nuôi lợn, gà, bò… đều được cán bộ Hội Nông dân bám sát chỉ dẫn. Nhờ thế, không chỉ gia đình tôi đã thoát nghèo, làm giàu mà hàng chục hộ khác trong bản năm vừa qua cũng vươn lên khá giả rồi đấy. Khi lòng dân đã tin vào Nhà nước, Nhà nước lại có cách làm hay để giúp dân thì cái đói, cái nghèo sẽ bị đuổi Hua Tạt mãi thôi”.