dd/mm/yyyy

Nông dân Lai Châu chủ động chăm sóc lúa Đông Xuân

Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tích cực chăm sóc để cây lúa vụ Đông Xuân phát triển tốt, quyết tâm giành một mùa vụ thắng lợi.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 9/3/2022, toàn tỉnh đã kết thúc gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 với 6.827 ha, đạt 100,7% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, diện tích lúa tập trung nhiều nhất ở các huyện: Than Uyên 2.052 ha, Tân Uyên 1.767 ha, Phong Thổ 724 ha… Cơ cấu giống chủ yếu là các giống Séng Cù, HN6, PC6, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, J02, Nếp 97...

Nông dân Lai Châu chủ động chăm sóc lúa Đông Xuân - Ảnh 1.

Tỉnh Lai Châu đã kết thúc gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 với 6.827 ha, trong đó diện tích lúa tập trung nhiều nhất ở các huyện: Than Uyên 2.052 ha, Tân Uyên 1.767 ha, Phong Thổ 724 ha. (Ảnh: Thanh Ngân)

Để đảm bảo tiến độ gieo cấy, ngành Nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp với thời tiết. Tránh bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đầu vụ, đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ vào thời điểm an toàn từ ngày 5- 20/5, trong đó trỗ tập trung từ ngày 10-15/5. Triển khai các biện pháp chăm sóc phù hợp với từng trà lúa.

Với những diện tích lúa cấy sớm nên giữ nước nông trên mặt ruộng, đảm bảo cung cấp đủ nước, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tối đa. Đồng thời, bón tăng lượng đạm từ 10-15% so với phân bón bình thường và bón phân thúc đẻ nhánh rải rác từ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 4-5 ngày nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng, sinh dưỡng của lúa để lúa trỗ bông.

Đối với những diện tích lúa cấy trà muộn và diện tích lúa gieo thẳng, các hộ nông dân tích cực chăm sóc, bón thúc, tỉa dặm để đảm bảo mật độ, tránh để quá dày sẽ tạo điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh. Trong đó, tập trung bón lúc đẻ nhánh và bón đón đòng, bón nặng đầu nhẹ cuối, tránh bón thừa phân đạm, tăng cường bón phân trung vi lượng để giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, ít sâu bệnh. Không bón phân vào những ngày trời mưa to, nắng nóng, nên bón vùi sâu vào trong đất để cây hấp thụ từ từ, tránh lãng phí do rửa trôi, bay hơi.

Nông dân Lai Châu chủ động chăm sóc lúa Đông Xuân - Ảnh 2.

Với những diện tích lúa cấy sớm nên giữ nước nông trên mặt ruộng, đảm bảo cung cấp đủ nước, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tối đa. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tại huyện Phong Thổ, với diện tích lúa Đông Xuân là 724 ha, bà con nông dân cũng đang tiến hành chăm sóc, bón phân cho lúa. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao, phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực sản xuất vụ Đông Xuân vừa đảm bảo khung thời vụ, vừa hạn chế sâu bệnh hại lúa. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương điều tiết nước hợp lý, không để ruộng khô hạn hoặc ngập nước tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Với huyện Tân Uyên, sau khi kết thúc gieo cấy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa Đông Xuân, tiến hành tỉa dặm cho diện tích lúa để đảm bảo mật độ và thực hiện bón phân theo đúng quy trình. Đối với những diện tích lúa gieo cấy trà sớm, người dân đang tập trung bón thúc đợt 2. Đối với trà chính vụ và trà muộn, đến thời điểm này cơ bản toàn bộ diện tích đã được bón thúc đợt 1 bằng các loại phân tổng hợp NPK. Vụ Đông Xuân năm 2022, huyện Tân Uyên đã thực hiện gieo cấy được 1.767/1.750 ha, đạt 100,9% so với kế hoạch.

Nông dân Lai Châu chủ động chăm sóc lúa Đông Xuân - Ảnh 3.

Nông dân tiến hành tỉa dặm cho diện tích lúa để đảm bảo mật độ, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.(Ảnh: Thanh Ngân)

Được biết, trước khi vào vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương; tu sửa các công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước ở các công trình thủy lợi đảm bảo không để thất thoát nước; sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả; có kế hoạch chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây hoa màu phù hợp.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, sau Tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại phát sinh, ngoài các biện pháp đẩy mạnh đầu tư bón thúc, làm cỏ cho lúa, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của cây lúa, sâu bệnh để có những biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa.


Thanh Ngân-Phạm Hoài