Trong suốt 2 tháng mùa thu hoạch, ngày nào họ cũng phải dầm mình dưới bùn để tìm hái gương sen về bóc lấy hạt bán. Vựa sen lớn nhất miền Bắc này giúp nông dân nơi đây thu tiền tỷ.
Không giống như các đầm sen khác trồng để lấy hoa, những ngày này về vựa sen lớn nhất miền Bắc - diện tích tới 28ha tại xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) - sẽ thấy cảnh người nông dân dầm mình cả ngày dưới bùn nước thu hái gương sen, bất kể thời tiết nắng nóng như đổ lửa hay mưa như trút nước. Vào mùa hè, đây là cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Nhìn ruộng sen dọc hai bên đường đi cành lá cao tới hơn 3m, thi thoảng lại có những chiếc thuyền chở đầy gương sen... ít ai biết rằng, vựa sen lớn nhất miền Bắc này trước kia từng là cánh đồng trũng bỏ hoang do ngập lụt không thể cây lúa.
Với diện tích rộng tới 28ha trải rộng ra các xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) thì đây là vựa sen lớn nhất miền Bắc
Vừa lội bùn nước hái được một chậu gương sen đem lên bờ đóng vào bao tải, ông Nguyễn Văn Ngọc cười nói, gia đình ông có 10 mẫu trồng sen lấy hạt. Độ trung tuần tháng 2 âm lịch ông bắt đầu cấy sen, đến giữa tháng 5 âm lịch sen bắt đầu cho thu hoạch gương.
" Trồng sen cũng giống như trồng lúa. Nhưng khi cấy sen thì thưa hơn, khoảng 1 mét vuông mới có 1 khóm. Phân bón sen hết khoảng 15 kg/sào", ông chia sẻ.
Ông Ngọc kể, bước vào thời điểm thu hoạch, bất kể ngày nắng hay ngày mưa ông đều phải ra ruộng hái gương sen. Thời gian sen cho thu hoạch kéo dài khoảng 60 ngày. Đặc biệt, để không bị lạc giữa đầm sen rộng hàng chục ha cùng những cành sen cao quá đầu người, mỗi khi dầm mình xuống bùn nước hái gương sen, đi đến đâu ông phải bẻ cành lá đến đó để đánh dấu. Làm như vậy có thể đi lần lượt hết đầm, không để sót gương sen.
"Có đầm sen chỉ để bán hoa, còn sen ở đây thì để lấy hạt. Năm nay mưa ít nên sản lượng giảm hơn năm ngoái", ông Ngọc nói. Song, ông tiết lộ, trồng sen cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Ở đây có nhiều hộ trồng sen, thu nhập tuỳ vào diện tích trồng nhiều hay ít. Mỗi 1 sào sen thường cho thu trên 2 triệu đồng. Gia đình ông có diện tích sen khá lớn, dự kiến thu được khoảng 200 triệu, trừ đi chi phí lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Theo người dân trồng sen nơi đây, vào mùa thu hoạch, nhà trồng ít thì thu được vài chục triệu, nhà trồng nhiều thu được hàng trăm triệu đồng. Tổng sản lượng hạt sen thu được ở vựa sen này lên tới tiền tỷ.
Ông Nguyễn Quốc Dân - một đầu mối thu mua hạt sen, cho biết, mỗi ngày ông thu mua vài tạ hạt sen, tuy nhiên giá cả phụ thuộc vào từng loại. Ví như sen chưa bóc hạt giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, hạt càng to, mẩy tròn giá càng cao. Riêng hạt sen đã tách vỏ giá thu mua từ 140.000-150.000 đồng/kg.
|
Trước kia vựa sen này từng là cánh đồng chiêm trũng bỏ hoang nay đã trở thành đầm sen rộng bạt ngàn |
|
Tuy nhiên, người dân trồng sen tại đây không để lấy hoa bán như những vùng sen khác |
|
Họ trồng sen là để thu gương sen về tách lấy hạt |
|
Giữa tháng 5 âm lịch, ông Ngọc bắt đầu ra đầm thu hoạch gương sen |
|
Thời gian thu hoạch khoảng 60 ngày liên tục |
|
Thế nên bất kể thời tiết ra sao, họ đều phải ra đồng thu hái gương sen |
|
Vì sen ưa sống ở những vùng chiêm trũng nên người nông dân phải dầm mình cả ngày dưới bùn nước để thu hoạch gương sen |
|
Gương sen bẻ trên cành xuống được để vào trong chậu... |
|
... hoặc để vào thuyền để tiện di chuyển |
|
Những chiếc thuyền chở đầy gương sen |
|
Sau đó chúng được đưa lên bờ để đóng vào bao tải chở về nhà |
|
Hạt trong gương sen sẽ được tách ra |
|
Người dân sẽ ngồi phân loại hạt đen và hạt trắng. Hạt trắng bóc ra để nấu chè, còn hạt đen dùng làm hàng phơi khô |
|
Giá hạt sen chưa tách vỏ dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, hạt càng tròn mẩy, to đều thì giá càng cao |
|
Hạt sen sau khi đã tách vỏ được bán với giá 140.000-150.000 đồng/kg |
|
Dân buôn thường thua mua số lượng lớn chở qua Hưng Yên bán |
|
Riêng tâm sen bán được với giá 200.000 đồng/kg |
|
Nông dân nơi đây cho biết, trồng sen lấy hạt cho thu nhập cao hơn nhiều trồng lúa. Hộ nào trồng nhiều thu lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi mùa |
Theo Như Băng - Anh Đức
Vietnamnet