Nam Định: Cấy lúa 30 năm chẳng ai đến, trồng sen 1 vụ đã tấp nập người tới xem

Phạm Anh Thứ ba, ngày 16/06/2020 13:32 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen, không những đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Đôn (50 tuổi) ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường (Nam Định ) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đầm sen thơm ngát của ông Đôn trở thành điểm ghé thăm của nhiều người.
Bình luận 0

Về xã Xuân Vinh, qua sự giới thiệu của ông Vũ Mạnh Trầm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Vinh, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết đến câu chuyện trồng sen thoát nghèo của gia đình ông Nguyễn Văn Đôn. 

Ông Trầm còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận đầm sen thăm quan, trên đường đi còn tiết lộ: "Nhờ trồng sen mà gia đình ông Đôn không những thoát được nghèo, mà còn vươn lên là hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương".

Nam Định: Bỏ lúa chuyển sang trồng sen, U50 thoát nghèo thành công - Ảnh 1.

Nhờ trồng sen mà gia đình ông Nguyễn Văn Đôn (50 tuổi) ở xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường (Nam Định) vươn lên thoát nghèo và hiện nay bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi năm

Di chuyển khoảng chừng hơn phút, chúng tôi đến được đầm sen của gia đình ông Nguyễn Văn Đôn, bắt gặp đầu tiên là cảnh đầm sen trải dài cả một vùng rộng lớn.

Cùng với mùi hương sen thơm ngát thoảng lẫn trong gió. Vừa gặp, ông Đôn vội tay bắt, mặt mừng khoe ngay: "Từ khi trồng sen, vào mùa hè ngày nào tôi cũng có hàng để bán, có đồng ra đồng vào, cuộc sống không còn nghèo khổ như trước nữa".

Là hộ nghèo sinh sống tại xã Xuân Vinh, quanh năm đầu tắt mặt tối với cây lúa nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Đôn vẫn xoay quanh một chữ "nghèo". 

Chán cảnh trồng lúa quanh năm vất vả mà vẫn đói nghèo, ông Đôn quyết tâm tìm hướng đi mới mong kinh tế gia đình tốt hơn.

Trong một lần tình cờ biết đến mô hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao, ông Đôn quyết định không cấy lúa nữa mà đi học hỏi cách trồng sen. 

Không ngờ sau khi trồng, cây sen lại thích nghi tốt, chịu đất, chịu nước và cho năng suất cao.

Nam Định: Bỏ lúa chuyển sang trồng sen, U50 thoát nghèo thành công - Ảnh 2.

Việc trồng sen đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh khai khác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhất đối với các mảnh ruộng chiêm khê mùa thối...

Sau khi thấy cây sen mạng lại hiệu quả kinh tế cao, ông Đôn tiếp tục mở rộng mô hình nhằm tăng thu nhập. 

Đầu năm 2017, ông đã mạnh dạn thuê hơn 2ha đất chiêm trũng trồng lúa kém hiệu quả, mà chủ yếu dân đang bỏ hoang để cải tạo chuyển dần sang trồng hoa sen.

Chia sẻ Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đôn cho biết, từ khi chuyển sang trồng hoa sen, gia đình ông không còn nghèo đói như trước nữa, cuộc sống của gia đình trở lên ổn định và khấm khá hơn trước.

"So với trồng lúa, thì trồng sen chắc ăn hơn và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa...", ông Đôn chia sẻ.

Để chứng minh lời nói trên, ông Đôn đưa ra dẫn chứng, nếu trồng 1 sào sen thì sẽ thu về được 1,7 tạ hạt sen/năm, thu về hơn 5 triệu đồng trong khi chi phí lại rất thấp khồng đáng kể. 

Còn nếu cấy lúa thì vụ được mùa 1 sào được khoảng 3 tạ/năm, với giá lúa hiện tại thì thu về được hơn 2 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí lãi 500 ngàn đồng, đấy là chưa kể đến mất mùa. 

"Trồng lúa vừa tốn nhiều tiền mua phân bón, mua thuốc sâu, thuê nhân công cày cấy, gặt hái...Còn trồng sen gần như chả tốn tiền phân gio thuốc thang gì cả. Đã thế, trồng sen còn có thể thu thêm tiền từ việc bắt cá, tôm...bán...", ông Đôn chia sẻ.

Nam Định: Bỏ lúa chuyển sang trồng sen, U50 thoát nghèo thành công - Ảnh 3.

Sau hơn 3 năm, cơ ngơi của ông Đôn đã có trong tay có một đầm sen tươi tốt rộng lớn, năng suất trung bình hơn 4 tấn hạt/năm và hàng ngàn bông hoa sen mỗi năm

"Vì đầm sen rộng và không phun thuốc trừ sâu nên là môi trường tốt cho tôm, cua, cá...sinh sống. Việc khai thác nguồn lợi tôm cá này mang lại kinh tế lớn. Ngày nhiều tôi có thể kiếm được cả triệu đồng, ngày ít cũng phải kiếm được vài trăm ngàn đồng. Chỉ riêng nguồn thu này tôi cũng dư trong chi tiêu hàng ngày", ông Đôn tiết lộ

Cũng theo ông Đôn, hiện nay, gia đình ông đang trồng sen với quy mô hơn 8 mẫu. Với diện tích này, trung bình mỗi vụ gia đình ông thu về được hơn 4 tấn hạt sen, cùng hàng nghìn bông hoa sen. Từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản và các sản phẩm từ sen cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

"Hiện giá hạt sen đang giữ giá ở mức ổn định, dao động từ 25.000 -35.000 đồng/kg, mỗi bông hoa sen có giá 3.000 đồng. Thu nhập từ trồng sen gấp nhiều lần so với cấy lúa, lợi ích hơn hẳn so với các loại cây trồng khác tại quê tôi", ông Đôn phấn khởi nói.

Nam Định: Bỏ lúa chuyển sang trồng sen, U50 thoát nghèo thành công - Ảnh 4.

Chia sẻ về công việc dự định của gia đình sắp tới, ông Đôn tâm sự, thời gian sắp tới ông sẽ đưa cua, ốc... vào thả nuôi thử nghiệm ở trong đầm sen để tăng hiệu quả kinh tế. Nếu nuôi cua, ốc trong đầm sen thành công thì sẽ giúp tôi có nguồn thu nhập cực kì cao từ đầm sen này.

Chia sẻ bí quyết trồng sen cho năng suất cao, ông Đôn tiết lộ, muốn trồng sen cho năng suất cao trước hết phải làm tốt khâu chuẩn bị đất. 

Trước khi trồng, cần làm vệ sinh ruộng, đầm, diệt ốc bươu vàng và cá rô phi. Vì các loại động vật ngoại lai này thường ăn các mầm sen non mới nhú. Sau khi trồng sen khoảng 1 tháng, bón phân lân để kích thích sen ra rễ nhanh, với lượng 10kg lân/sào.

Sau khi trồng sen được 2 tháng thì tiến hành bón thêm phân NPK tổng hợp để kích thích sen đẻ nhánh. Lượng phân NPK bón cho sen ở thời điểm này khoảng 10-15kg/sào. 

"Chú ý, người trồng sen cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu ăn lá để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong quá trình trồng và chăm sóc sen, cần tăng cường thêm phân chuồng ủ và phân hữu cơ để tăng cây sen bền, gương sen to, hạt sẻn chắc mẩy", ông Đôn lưu ý.

Theo ông Vũ Mạnh Trầm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Vinh, cây sen được đưa vào trồng địa phương khoảng 3 năm nay. Dân chủ yếu ở những diện tích chiêm trũng trồng lúa kém hiệu quả. Đến nay diện tích trồng sen trên địa bàn xã đã được mở rộng lên tới 10 ha.

"Việc trồng sen đã mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh khai khác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhất đối với các mảnh ruộng chim trũng. Với hiệu quả mang lại mà chi phí đầu tư lại thấp, cây sen không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn....:," ông Vũ Mạnh Trầm, Chủ tịch Hội Nông dẫn xã Xuân Vinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem