Sử dụng thiết thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ đồng ruộng là ứng dụng khá mới được nhiều nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười đồng tình ủng hộ.
Hết cảnh "ninja" ra đồng
Bà Nguyễn Thị Về, nông dân trồng lúa ở huyện Tân Hưng (Long An) vẫn thường tự hào khoe, bản thân mình mạnh dạn áp dụng máy móc, kỹ thuật trồng lúa còn tốt hơn cả chồng. Tuy nhiên, công đoạn phun thuốc trừ sâu vẫn là vấn đề nan giải, không chỉ với bà mà còn với cả nhiều nông dân khác.
Nhớ lại những ngày nắng chói chang, vẫn phải mặc áo tơi, che kín mặt, vác bình thuốc như ninja ra đồng, bà Về chưa hết ngao ngán. Việc phun thuốc thủ công ngại nhất là phun chồng lối hoặc sót lối. Thuốc phát tán không đều trên mặt ruộng, nên lá lúa dễ bị ngộ độc hoặc không thấm đủ thuốc.
Đi phun thuốc thì vì việc dẫm chân trên ruộng là không tránh khỏi, vừa tốn công cào bằng mặt ruộng lại thất thoát lúa khi thu hoạch. Bản thân người đi phun lãnh trọn hơi thuốc trên đồng. Còn nếu không muốn tự phun thuốc thì mướn người khác nhưng cũng lắm nhiêu khê.
"Người khác phun sẽ khó đảm bảo hiệu quả khi họ chỉ muốn phun cho nhanh rồi về. Chưa kể trường hợp người ta ăn gian hoặc lúc mệt mỏi, phun thuốc chiếu lệ rồi bỏ luôn vài ba gói thuốc trong túi mang về", bà Về nói.
Vụ hè thu vừa qua, khi tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm cho thuê thiết bị bay để phun thuốc, bà Về không ngần ngại áp dụng ngay trên ruộng của mình. Lúc đầu làm cũng có nhiều người phản đối do thấy máy móc hiện đại, lại đắt tiền. Thuốc phun từ trên cao xuống sợ khó thấm đều mặt lá, sâu hại tấn công lại làm mùa màng thất thu.
Tuy nhiên khi kiểm tra kỹ bà Về thấy hiệu quả khác hẳn. Những nhược điểm từ phun thuốc thủ công đều được khắc phục. "Mọi thứ được máy móc lập trình nên chính xác y bon. Tôi nói với chồng mình từ vụ sắp tới, sẽ tiếp tục dùng cái drone này phun thuốc", bà Vệ nói chắc nịch.
Cùng nông dân cải tiến công nghệ
Ngụ cùng huyện, ông Đỗ Đình Dân cũng là người đã ứng dụng thử thiết bị drone này. Ông Dân đánh giá hiệu quả trước hết là giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động thủ công tại địa phương.
Theo ông Dân, phun thủ công tốn khoảng 200 lít nước còn máy chỉ cần trên dưới 10 lít. Khi phun thuốc thủ công, mỗi ha lúa tốn khoảng 160.000 đồng tiền thuê người, hoặc 14.000 đồng mỗi bình thuốc. Vụ vừa rồi, ông phun bằng drone thì chi phí cao hơn một chút. Tuy nhiên, lượng thuốc giảm được 20%, năng suất tăng 10-15%.
Anh Dân kể, ngày trước, cán bộ kỹ thuật thường xuyên khuyến cáo bà con đảm bảo đúng lượng nước, thuốc. Đó là việc khó vì trong đồng không phải lúc nào cũng sẵn nước sạch. Ngược lại, drone được sản xuất trên nguyên tắc phải giảm lượng nước sử dụng. Hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun của drone có kích cỡ rất nhỏ và mịn.
Điều này sẽ giúp người nông giảm thiểu lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao. "Nếu chi phí thuê máy bằng hoặc cao hơn chút đỉnh so với phun thủ công, nông dân vẫn sẽ chọn phun bằng máy", ông Dân nói.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, vẫn còn khoảng cách giữa nghiên cứu với triển khai, áp dụng thực tế từng cánh đồng. Tuy nhiên, công nghệ cao là xu thế tất yếu đang được áp dụng từng ngày trên đồng ruộng.
Để mức độ áp dụng thiết bị bay và công nghệ tự động hóa được rộng khắp cần nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp. Và quan trọng hơn là sự đồng tình ủng hộ của nông dân. Công nghệ dù hiện đại cỡ nào cũng do con người làm ra nên chương trình cần sự hợp tác của nông dân để tiếp tục phản hồi và hoàn thiện công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Cang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng (Long An) cho biết, mô hình phun xịt thuốc bằng drone được nhiều nông dân đánh giá cao và thực tế nhiều nơi đã áp dụng trên diện tích hàng trăm ha.
"Việc cá nhân tự sở hữu hoặc liên kết sở hữu một chiếc máy với giá từ 200 - 300 triệu đồng không phải là quá khó. Khi việc chuyển giao kỹ thuật cũng như thủ tục xin giấy phép bay được giải quyết ổn thỏa, việc áp dụng đại trà ứng dụng drone trên diện rộng là hoàn toàn khả thi", ông Cang nói.