dd/mm/yyyy

Những “phù thủy” trái cây nghịch vụ miền Bắc

Ghép tạo khoanh thân vỏ cho nhãn ra trái vụ, cắt cành và tự tay “thụ phấn” để na kéo dài thời gian thu hoạch,… là những bí quyết độc đáo của các “phù thủy” nông dân miền Bắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và cộng đồng.

Trồng nhãn cho quả trái vụ

Tại huyện Khoái Châu hiện có một số chủ vườn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xử lý, điều chỉnh để nhãn ra hoa đậu quả hợp lý nên nhãn sớm luôn được mùa, được giá.

Với sự sáng tạo, các chủ vườn na ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) có thể “điều khiển” cho na ra trái vụ, sai trĩu quả như ý muốn. Hải Đăng
Với sự sáng tạo, các chủ vườn na ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) có thể “điều khiển” cho na ra trái vụ, sai trĩu quả như ý muốn. Hải Đăng

Điển hình là ông Chu Văn Vang ở thôn Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) với giống nhãn chín sớm cho hiệu quả vượt trội. Ông Vang cho biết: “Ưu điểm của nhãn chín sớm là quả to, từ 50 đến 60 quả/kg, mẫu mã đẹp, hạt nhỏ, cùi giòn, vị ngọt đậm và thơm nên rất được thị trường ưa chuộng. Do thực hiện tốt quy trình thâm canh nên giống nhãn chín sớm của gia đình tôi đã cho sản lượng mỗi sào khoảng 1 tấn, trị giá 45 triệu đồng, tương đương với hơn 1 tỉ đồng/ha; gấp gần 3 lần so với nhãn chính vụ”.

Ông Chu Văn Vang ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên bên giống nhãn mới độc đáo của gia đình. Hải Đăng
Ông Chu Văn Vang ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên bên giống nhãn mới độc đáo của gia đình. Hải Đăng

Cùng với ông Vang, lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu cũng đang được biết đến là một “phù thủy” trong nghề trồng nhãn ở miền Bắc.

Từ việc trồng na theo mùa vụ đến nay chúng tôi đã có thể sáng tạo ra quy trình trồng na trái vụ độc đáo không chỉ giúp tăng năng suất vượt trội mà còn kéo dài được thời gian thu hoạch từ 1 tháng lên đến 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12). Ông Nguyễn Xuân Thủy

Ông Tuấn cho biết: Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch thì nhiều cây nhãn của Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa Hè. Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành...

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí - giữa tháng 12 dương lịch).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa Đông (khoảng 20 tháng 11 dương lịch). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa Hè, thu hoạch quả trong mùa Đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 - 15 ngày. Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho thu hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Ông Chu Văn Vang “khoe” giấy công nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên. Hải Đăng
Ông Chu Văn Vang “khoe” giấy công nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên. Hải Đăng

“Bắt” na cho thu hoạch dài dài

Không chỉ cây nhãn ra quả trái vụ, nông dân Bắc Giang còn sáng tạo ra phương pháp làm cho na vừa ra quả trái vụ mà lại còn kéo dài được thời gian thu hoạch như ý muốn.

Ông Bùi Văn Quang - Giám đốc HTX na dai Lục Nam (Bắc Giang) cho biết: Hiện nay, toàn huyện Lục Nam đã có khoảng 1/3 diện tích na bắt đầu chuyển dần sang trồng, chăm sóc na trái vụ bởi giá bán thường cao hơn. Theo tính toán của ông Quang, nếu giá na chính vụ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg thì giá na trái vụ thường khoảng 40.000- 45.000 đồng/kg; na đẹp có thể còn cao hơn.

Với kinh nghiệm trồng nhãn từ nhiều năm nay, gia đình ông đã tạo được giống nhãn chín sớm với ưu điểm ra hoa cùng thời điểm nhãn chính vụ nhưng khác biệt là thời gian sinh trưởng từ lúc quả non đến khi thu hoạch lại ngắn hơn và chín sớm từ 3 đến 4 tuần, vì thế giá bán luôn ở mức cao gấp 2 lần thời điểm giữa vụ.

Nói về bí quyết “sai khiến” na ra trái vụ có nhiều quả như ý muốn, ông Quang cho rằng: “Đây là bí quyết độc đáo mà chính nông dân Lục Nam đúc kết, sáng tạo trong quá trình làm vườn. Cụ thể, vào trung tuần tháng 11 hàng năm, các chủ vườn ở Lục Nam bắt đầu cắt cành để cho cây na thấp bớt, tránh gió bão. Trong khi cắt, bà con chú ý cắt bấm các cây na chỉ để chiều cao từ 1,5 đến 1,8m. Nhờ thế mà sang xuân, các cây na chỉ chồi lộc ở thân chứ không ra hoa”.

Cùng với bí quyết cắt, tỉa cành, nông dân Lục Nam còn áp dụng một giải pháp kỹ thuật đặc biệt nữa là thụ phấn nhân tạo cho na, giúp cây ra quả sai trĩu như ý muốn. Ông Nguyễn Xuân Thủy ở xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam cho hay: “Vào thời điểm sau lập xuân 20 ngày, các chủ vườn tiến hành cắt cành từ 20 - 30cm, dùng thuốc siêu lân phun 7 ngày/lần. Khi nụ hoa na hé mở có màu trắng thì thụ phấn nhân tạo cho hoa. Đây là phương pháp thủ công rất hữu hiệu trong việc chủ động số quả trên mỗi cây, để có quả to đều và mẫu mã đẹp”.

“Đặc biệt, để các cây na có tỷ lệ đậu quả cao, tôi thường tưới 1 – 2 lần thuốc kích rễ, phun 1 – 2 lần siêu lân giữ độ ẩm đến hết tháng 12 để cây nghỉ qua vụ đông. Sau khi lập xuân khoảng 15 – 20 ngày, dùng kéo cắt sạch đầu cành từ 15 – 20cm (cắt hết lá đầu cành và đốt để diệt sâu bệnh). Đồng thời, bón 20% lượng phân chuồng và 20% NPK của năm. Tiếp đó, tôi phun thuốc kích thích để làm bật mầm hoa; khi hoa hé nở có màu trắng xanh thì tiến hành thụ phấn”, ông Thủy tiết lộ.

Cùng với đó, anh Thủy sử dụng phân bón lá, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên na không những cho quả to, đều mà tình trạng nấm mốc và thối cây cũng không còn. “Thực tiễn đã chứng minh, ở diện tích na phát triển tự nhiên chỉ thu lãi tối đa khoảng 22 triệu đồng/ha. Với những khu vườn áp dụng theo giải pháp kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho mức lãi tới trên 100 triệu đồng/ha”, anh Thủy khẳng định.

Na dai được trồng ở Lục Nam từ nhiều năm nay và ngày càng phát triển mạnh. Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, na Lục Nam có vị thơm, ngon, ngọt mát, quả to đều và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận nhãn hiệu tập thể “Na dai Lục Nam” từ năm 2014.

Hiện nay, sản phẩm na Lục Nam đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2016 là vụ na thắng lợi lớn của huyện. Sản lượng na toàn huyện ước đạt 14.000 tấn, với giá bán trung bình vào chính vụ là khoảng 20.000 đồng thì người dân Lục Nam đã có thể thu về khoảng gần 300 tỉ đồng. Nhưng chắc chắn con số thực tế còn cao hơn thế bởi giá na càng trái vụ càng tăng.

Bài và ảnh: Hải Đăng