dd/mm/yyyy

Nhiều giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững ở Khánh Hòa

Muốn nuôi tôm hùm thành công nên chọn vùng nuôi có độ sâu từ 6m trở lên, tránh xa các nguồn nước thải khu công nghiệp, chọn con giống ngay tại địa phương để đỡ tốn chi phí vận chuyển.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung”. Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông dân giàu kinh nghiệm, cán bộ khuyến nông đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.

Người nuôi trồng thủy sản rất chú trọng vấn đề làm vệ sinh lồng nuôi. CT
Người nuôi trồng thủy sản rất chú trọng vấn đề làm vệ sinh lồng nuôi. CT

Nuôi tôm hùm thu bạc triệu

Ông Nguyễn Minh Trung (phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, gia đình ông gắn bó với nghề nuôi tôm hùm xanh hơn 5 năm nay, vụ nào lãi ít nhất cũng vài chục triệu đồng, có những vụ trúng đậm lãi 200 – 300 triệu đồng/năm. Đơn cử, vụ tôm năm 2015 – 2016, gia đình ông nuôi rất thành công, giá bán cao, trên 700.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Có được hiệu quả trên là nhờ ông chủ động trong công tác phòng, trị bệnh, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là nghề nuôi tôm vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là khan hiếm nguồn giống, cách thiết kế ô nuôi, lồng bè,…

Ông Lê Thành Tâm (phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên), một hộ nuôi tôm hùm lồng tiêu biểu của địa phương bộc bạch, ban đầu chỉ khởi nghiệp với 4 - 5 lồng nuôi, sau đó mở rộng và hiện đã có 20 lồng. Mặc dù gia đình ông đầu tư không nhiều nhưng bình quân cũng thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Tâm, muốn nuôi tôm hùm thành công nên chọn vùng nuôi có độ sâu từ 6m trở lên, tránh xa các nguồn nước thải khu công nghiệp, chọn con giống ngay tại địa phương để đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm không bị sốc, tôm tại địa phương thích nghi với môi trường, chọn thức ăn có chất lượng tốt, các loại cá, giáp xác và nhiễm thể còn tươi sống. Trước khi cho ăn phải rửa sạch, tăng cường bổ sung các loại vitamin, chất khoáng, trong quá trình nuôi cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường vùng nuôi…

Cần tổ chức lại sản xuất

Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, việc phát triển tôm hùm thiếu tính bền vững dẫn đến sản lượng thấp, không ổn định. Nghề này mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng đứng trước nhiều thách thức về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Một số lồng nuôi tôm ngày càng gia tăng, vị trí tôm hùm nằm chung với các khu vực nuôi cá biển và các loại thủy sản khác. Tôm hùm của nước ta chủ yếu lấy từ tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo, phần lớn phải nhập từ nước ngoài, vì vậy rất khó chủ động về chất lượng nguồn giống. Công nghệ nuôi tôm vẫn theo cách truyền thống, quy mô nhỏ, sản phẩm tôm hùm sau thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái nên chưa có liên kết lâu dài.

Ông Khôi cho rằng, cần tổ chức lại sản xuất, xúc tiến thị trường, liên kết giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị, khuyến khích các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung, chính sách thuế, vốn vay ưu đãi, chính sách bảo hiểm thủy sản, giải pháp về khuyến ngư. Cần có chính sách hỗ trợ người dân duy trì các hoạt động sản xuất nuôi tôm hùm gắn với định hướng phát triển kinh tế biển.

Tôm hùm giúp người dân thu nhập ổn định. CT
Tôm hùm giúp người dân thu nhập ổn định. CT

Ông Nguyễn Hữu Thái - Phó Trưởng phòng Ngư nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi) nhận định, việc chọn con giống hết sức quan trọng, nếu chọn giống và chăm sóc bài bản thì tỷ lệ thành công rất cao. Mật độ thả nuôi phù hợp là 4 – 5 con/m2, với mật độ này người nuôi rất dễ dàng trong việc chăm sóc cũng như quản lý. Đồng thời, ông Thái khuyến cáo, bà con nên nuôi theo kiểu lồng chìm để tránh rủi ro của thời tiết.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, nghề nuôi tôm đã tạo được việc làm ổn định, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân. Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Chi cục đề nghị cần tuyên truyền tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi giống tôm hùm.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, các lồng nuôi tôm hùm đã tăng lên đáng kể, cụ thể: Năm 2010 có hơn 49.000 lồng, đến năm 2017 tăng lên 83.000 lồng, sản lượng ước đạt 1.530 tấn. Riêng tại Khánh Hòa, sản lượng đạt gần 984 tấn, Phú Yên 500 tấn, còn lại là các tỉnh khác.

Tôm hùm là đối tượng thủy sản trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, được nuôi chủ yếu tại vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Qua nhiều năm, người nuôi tôm đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, chọn giống và quản lý dịch bệnh. Đời sống của những người nuôi tôm hùm xanh, tôm hùm bông ngày càng khởi sắc, sản phẩm được thị trường cả nước ưa chuộng.

Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, diễn đàn là cơ hội để nông dân 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên học tập, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Thông qua diễn đàn, người dân sẽ tích lũy được kinh nghiệm trong khâu chọn giống, chăm sóc, thiết kế lồng nuôi và phương pháp phòng trị các loại bệnh thông thường trên con tôm hùm.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, các lồng nuôi tôm hùm đã tăng lên đáng kể, cụ thể: Năm 2010 có hơn 49.000 lồng, đến năm 2017 tăng lên 83.000 lồng, sản lượng ước đạt 1.530 tấn. Riêng tại Khánh Hòa, sản lượng đạt gần 984 tấn, Phú Yên 500 tấn, còn lại là các tỉnh khác.

Công Tâm