Mạnh dạn chặt cành, ghép cây
Mùa hè này đến với huyện Yên Châu, đâu đâu du khách cũng dễ dàng bắt gặp những vườn nhãn bạt ngàn như cánh rừng, cây nào cũng sai lúc lỉu những chùm nhãn căng tròn, vàng ruộm đang vào độ. Người dân nơi đây đang tất bật thu hoạch nhãn, các thương lái từ Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên... đánh xe tải đến tận nơi thu mua, khiến cả một vùng núi rừng rộn ràng tiếng cười nói.
Hiện nay, hình thức tiêu thụ nhãn ở Tú Nang chủ yếu xuất dưới dạng quả tươi, chiếm khoảng 80%. Mỗi kg nhãn gia đình ông Sơn bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy mẫu mã. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái lại đánh xe vào tận vườn nhà ông Sơn trực tiếp thu mua, trả tiền ngay.
Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Sơn (bản Trung Tâm, xã Tú Nang, huyện Yên Châu) gặp đúng lúc gia đình ông đang thu hoạch nhãn để bán cho thương lái. Nhìn những chùm nhãn hàng trăm quả, chín ngọt lừ, mới thấy thành quả mà nông dân nơi đây thu được từ công sức lao động bỏ ra thật xứng đáng.
Được biết, gia đình ông Sơn trồng nhãn từ năm 2000, tuy nhiên khi ấy cả vườn 300 gốc vẫn là giống nhãn địa phương nên năng suất kém, cùi mỏng. "Giống nhãn địa phương này cho quả bé, không ngọt, năng suất thấp, nguồn thu nhập của gia đình cũng bị ảnh hưởng..." - ông Sơn kể.
Trong một lần tham gia lớp tập huấn của Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức, ông Sơn đã được giới thiệu về năng suất của loại nhãn Miền Thiết và được hướng dẫn cách ghép nhãn Miền Thiết lên nhãn địa phương. Sau đó, ông Sơn quyết định đi xe khách xuống tận Hưng Yên tìm mua mắt nhãn ghép Miền Thiết, mang về ghép lên nhãn địa phương.
"Thời điểm tôi chặt đốn cành nhãn, người dân trong bản ai cũng nói tôi bị khùng, gàn dở mới làm những việc dở hơi như vậy" - ông Sơn nói.
"Nhận thấy trồng nhãn ghép cho sai quả và thu nhập cao, tôi mới trồng thêm 300 cây trên nương. Hiện nay, vườn của gia đình tôi có hơn 600 gốc nhãn, trong đó có khoảng 300 cây đang cho thu hoạch...".
Ông Lê Văn Sơn
Bỏ ngoài tai tất cả những lời nói không hay, ông Sơn tập trung chăm sóc vườn nhãn. Khoảng 3 năm sau, vườn nhãn bắt đầu cho quả bói. Nhìn cây nhãn mới cho quả bói mà đã sai chùm, quả trĩu cành, thơm ngọt, lúc đó ông vui mừng khôn xiết và đã nói với vợ rằng "lần này gia đình mình thoát nghèo thật rồi...".
Để vườn nhãn phát triển tốt, ông Sơn tiếp tục đầu tư vốn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ con suối cạnh nương tưới cho hơn 1ha diện tích nhãn Miền Thiết. Ngoài ra, ông còn dùng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, NPK để bón cho cây trồng. Nhờ vậy, vườn nhãn của gia đình ông Sơn từ khi ghép mắt đến giờ đều xanh mơn mởn và cho quả đầy cành.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
Theo kinh nghiệm của ông Lê Văn Sơn, nhãn Miền Thiết ghép lên nhãn địa phương rất dễ chăm sóc. Từ lúc ghép mắt đến lúc ra hoa đậu quả chỉ khoảng 3 năm. Nhãn Miền Thiết có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn vào dịu ngọt, thanh mát, được thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La ưa chuộng.
Hiện nay, hình thức tiêu thụ nhãn ở Tú Nang chủ yếu xuất dưới dạng quả tươi, chiếm khoảng 80%. Mỗi kg nhãn gia đình ông Sơn bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng, tùy mẫu mã. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái lại đánh xe vào tận vườn nhà ông Sơn trực tiếp thu mua, trả tiền ngay. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Sơn thu lãi gần 200 triệu đồng từ cây nhãn.
Để giúp người trồng nhãn tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, có thị trường tiêu thụ ổn định, ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là áp dụng quy trình trồng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và tăng giá trị nông sản, nhất là quả nhãn".
Theo ông Hà Như Huệ, cây nhãn đang trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, do đó huyện tiếp tục tập trung vào các khâu cải tạo giống, phổ biến quy trình tưới ẩm để nâng cao năng suất của cây nhãn. Đồng thời, huyện tìm kiếm và phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, giúp người trồng nhãn có đầu ra ổn định.