Nhà máy Chè Tây Bắc cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng
Nhà máy chè Tây Bắc thuộc Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc. Nhà máy chè Tây Bắc nằm cạnh tỉnh lộ 136, đoạn chạy qua bản Nà Bỏ (Bản Giang, Tam Đường, Lai Châu). Xung quanh Nhà máy là những đồi chè xanh ngát, tỏa hương thơm mát. Nhà máy được đầu tư khá bài bản và khoa học, với hệ thống dây chuyền hiện đại.
Khi chúng tôi đến, hơn chục công nhân đang hăng say với công việc của mình. Mỗi người một việc, người đóng bao, người khâu bao, người vận chuyển bao chè ra nơi tập kết…
Qua câu chuyện với anh Đỗ Viết Trung – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, được biết: Ngày 20/3/2023, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 461/QĐ-UBND Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến chè tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường. Theo Quyết định 461, nhà đầu tư dự án chế biến chè tại xã Bản Giang là Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc, ở tổ 1, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu.
Quyết định 461 cũng nêu rõ mục tiêu, đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến chè tại xã Bản Giang để đưa ra thị trường các sản phẩm chè có chất lượng cao như: Chè xanh vo viên, chè xanh duỗi, chè đen, chè sấy, chè vàng… phục vụ nhu cầu thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Thực tế cho thấy, Nhà máy chè Tây Bắc được xây dựng và đưa vào hoạt động, không chỉ "giải tỏa" nỗi lo về đầu ra cho người trồng chè ở các xã: Bản Hon, Bản Giang của huyện Tam Đường, mà còn góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động ở địa phương.
"Việc Công ty đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến chè Tây Bắc không phải ngẫu nhiên, mà là thể theo nguyện vọng của nhiều hộ trồng chè nơi đây. Trước khi xây dựng Nhà máy, Công ty đã khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè các loại. Công ty cũng đã ký kết với một số bạn hàng để xuất khẩu chè sang Pakistan và một số nước Trung Đông" – anh Trung thông tin.
Theo anh Trung, Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc có bề dày hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng giống, vật tư, phân bón cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Trước khi đầu tư xây dựng Nhà máy chè Tây Bắc, Công ty bán phân bón theo hình thức trả chậm cho người trồng chè ở nhiều xã trong tỉnh, trong đó có nhiều hộ trồng chè ở các xã: Bản Hon, Bản Giang của huyện Tam Đường.
"Thời điểm dịch Covid 19 bùng phát và kéo dài, không bán được chè tươi, không có tiền trả tiền phân bón cho Công ty, nên nhiều hộ dân đã nhờ Công ty tìm kiếm đầu ra. Xuất phát từ nguyện vọng của các hộ trồng chè, Công ty đã tìm kiếm bạn hàng và quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chè tại xã Bản Giang, tổ chức thu mua chè tươi cho bà con" – anh Trung cho hay.
Được biết, trước khi Nhà máy chè Tây Bắc đi vào hoạt động, người trồng chè ở khu vực Bản Hon, Bản Giang chủ yếu bán chè tươi cho các đại lý, với giá không ổn định. Không những vậy, người trồng chè còn phải vận chuyển xa, mất nhiều thời gian đi lại. Thu nhập từ trồng chè thấp, người dân vùng này không chú trọng mấy đến việc đầu tư chăm sóc chè, dẫn đến năng suất, sản lượng chè không cao.
Từ khi Nhà máy chè Tây Bắc đi vào hoạt động, người trồng chè ở các xã Bản Hon, Bản Giang ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi có thêm đơn vị đứng ra thu mua chè tươi cho bà con.
Giải tỏa nỗi lo về đầu ra cho người trồng chè
Anh Nguyễn Đình Xuyện, ở bản Đoàn Kết (Bản Giang, Tam Đường) phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi trồng chè từ nhiều năm nay. Gia đình tôi hiện có khoảng 2ha chè. Khi chưa có Nhà máy chè Tây Bắc, gia đình tôi chủ yếu bán chè tươi cho Nhà máy chè của Hợp tác xã Quyết Tiến, ở bản Hà Giang (Bản Giang, Tam Đường). Khi Nhà máy chè Tây Bắc đi vào hoạt động, có sự cạnh tranh, giá bán chè tươi cao hơn so với trước. Gia đình tôi chuyển sang bán chè tươi cho Nhà máy chè Tây Bắc, với giá hơn 5000 đồng/kg. Thu nhập từ trồng chè của gia đình tôi cũng nhờ đó mà được nâng lên, đời sống được cải thiện".
Cũng như gia đình anh Xuyện, thu nhập, đời sống của nhiều hộ trồng chè ở Bản Hon, Bản Giang đã được cải thiện, nâng cao từ khi Nhà máy chè Tây Bắc đi vào hoạt động, thu mua chè tươi cho người dân.
Không chỉ thu mua chè tươi, Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc còn ký kết hợp đồng liên kết với người trồng chè, tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ chè thành phẩm. Ký hợp đồng liên kết với Công ty, người trồng chè được Công ty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, đến giữa năm hoặc cuối năm mới phải trả thông qua hình thức trừ vào tiền bán chè tươi cho Nhà máy. Mặt khác, Nhà máy còn cử cán bộ hướng dẫn người trồng chè kĩ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho diện tích chè.
"Được thu mua chè tươi với giá cao và ổn định, thu nhập, đời sống của người trồng chè khu vực Bản Hon, Bản Giang được cải thiện, nâng cao. Nhiều hộ dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng chè của gia đình. Nhờ đó, năng suất, sản lượng chè của người dân được nâng lên rõ rệt, đạt 7 tấn/lứa cắt, cao hơn 1 tấn so với trước" – anh Trung cho biết.
Năm 2023, Nhà máy chè Tây Bắc chế biến, bán ra thị trường khoảng 1300 tấn chè khô. Nhà máy thu mua chè tươi của người dân với giá bình quân hơn 5000 đồng/kg. Ngoài thu mua chè tươi của người dân với giá ổn định, Nhà máy chè Tây Bắc còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương, với mức lương từ 8000.000 – 10.000.000 đồng/tháng.