Quãng đời chìm đắm khói thuốc phiện
Sinh năm 1965 trên quê lúa – xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) chàng trai Phạm Đình Chiểu lớn lên trong một gia đình gia giáo. Năm 1985, xuất ngũ ở tuổi đời 20, trở về quê hương với cuộc sống khó khăn, tảo tần vất vả. Một năm sau, nghe bạn bè rủ đi làm ăn xa, chàng trai trẻ khăn gói lên vùng đất Lai Châu tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Chẳng biết có phải vận mệnh đưa đẩy, Chiểu sa chân vào bãi vàng. Cuộc sống nơi rừng hoang núi thẳm, sống cạnh những kẻ giang hồ tứ chiếng chẳng mấy chốc Chiểu lâm vào đường nghiện hút thuốc phiện.
“Hồi ấy, thuốc phiện dễ kiếm, 1 lạng mì chính đổi thuốc hút cả tuần không hết. Cảnh sống buồn bã, nguy hiểm nơi rừng rú đã đưa đẩy tôi bập vào thuốc phiện. 5 năm ở rừng, ngày tôi trở về tiền bạc trắng tay, thân hình tàn tạ. Gia đình, bạn bè người ghẻ lạnh, kẻ nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, dè chừng. Chẳng trách họ được, ai chẳng sợ kẻ nghiện ngập, họ không có lỗi, chính tôi đã đánh mất niềm tin, tình cảm của mọi người”, ông Chiểu xúc động nhớ lại quãng đời sương gió…
Ánh sáng soi dẫn lối về
Về làng trong cơn bi quẫn, một quyết định táo bạo đã thay đổi cuộc đời của chàng trai nghiện ngập. Ấy là… lấy vợ. Vị tỷ phú kể, thủa ấy, trong thôn, ngoài làng ai cũng biết tiếng ông nghiện ngập nên việc lấy vợ làng khó trăm bề.
Ở làng thời khó, thế mà sang xã Vũ Hợp (cùng huyện Vũ Thư), với tài ăn nói khéo léo chẳng mấy chốc chàng Chiểu đã “cưa đổ” cô gái tên Tạ Thị Bích Liên (SN 1969). Có điều, khi yêu ông giấu nhẹm chuyện mình nghiện ngập. Mãi sau này, cưới nhau được hơn năm, người vợ mới vỡ lẽ chồng mình nghiện thuốc phiện. Ngỡ ngàng, buồn bã nhưng rồi chị đã chấp nhận sự thật, động viên chồng cai nghiện, làm lại cuộc đời…
Cuộc sống vốn đã khốn khó càng thêm nhọc nhằn khi vợ chồng trẻ sinh con đầu lòng (năm 1991). Cảnh nhà nông làm lụng “đầu tắt mặt tối” chẳng đủ ăn, trong khi, chồng vẫn “đốt tiền theo khói thuốc”, dặt dẹo và tiều tụy đến thê thảm. Hàng xóm ghẻ lạnh, gia đình buồn rầu, nhìn người vợ chịu thương chịu khó mà khắc khổ, xác xơ, Phạm Đình Chiểu đã tỉnh thức. Ông quyết tâm cai nghiện, hoàn lương để chăm lo cho gia đình.
Thời gian cai thuốc, Chiểu giam mình trong phòng tối, quằn quại chịu đựng những cơn đau xé da thịt. Đã nhiều lúc ông định bỏ cuộc, nghĩ đến tương lai của vợ con, tình cảm người vợ thủy chung son sắt, ông thấy mình được ánh sáng tình yêu soi dẫn lối về. Kiên trì cai nghiện, cuối cùng Chiểu đoạn tuyệt được hẳn với “nàng tiên nâu”, giã từ một thời buông thả.
Vị tỷ phú hôm nay
Thấm thoắt đã 25 năm chàng thanh niên năm xưa giã từ thuốc phiện, giờ đây, ông Chiểu đã ngoài 50, tóc lấm tấm hoa tiêu. Phạm Đình Chiểu của ngày hôm nay đã trở thành một tỷ phú nông nghiệp, nông dân xuất sắc toàn quốc. Mô hình nuôi cá Chép giòn, cá Lăng thương phẩm của ông là một trong những mô hình điểm của tỉnh Thái Bình. Mỗi năm, có hàng nghìn nông dân tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Cơ ngơi trang trại của vợ chồng ông rộng đến 10 mẫu, chạy dài bên con đường ven sông ở thôn 2, xã Vũ Đoài. Ông kể, thủa mới cai nghiện, gặp dịp địa phương khoán thầu khu đất Trại tằm, vợ chồng ông đánh liều vay mượn đấu thầu khu đất hoang vu, đầy lau lách ấy. Nhìn ông dựng nhà tạm, dắt díu vợ con về đây sản xuất, nhiều người nói ông là kẻ khùng, điên.
Nhờ chịu thương chịu khó, một lòng hoàn lương cộng với tính cách hòa đồng, nhiệt tình vợ chồng ông Chiểu dần có được niềm tin, tình cảm của nhiều người. Những ngày gian khó, họ thương mến, giúp đỡ, vun vén cho gia đình ông từ bó rơm, cây tre, bò gạo...
Khắc phục cảnh khó, vượt lên bằng những bữa cơm ăn khoai, sắn, dồn sức tăng gia sản xuất, dần dần mùa vụ bội thu, vợ chồng ông có chút vốn liếng, cất lại ngôi nhà.
Nhạy bén với thời cuộc, vợ chồng ông Chiểu hết nuôi lợn lại nuôi gà công nghiệp. Là một trong những hộ dân nuôi gà công nghiệp đầu tiên của xã, thời đỉnh điểm vợ chồng ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi lứa gà xuất chuồng. Vậy nhưng, thời cuộc lại như thử thách lòng người. Một đận, trang trại hơn 7.000 con gà của vợ chồng ông dính phải dịch bệnh, thiệt hại gần như trắng tay. Không nản chí, vợ chồng ông lại chuyển nghề nuôi lợn, nuôi cá.
6 năm trước, qua tìm hiểu tìm hướng sản xuất mới, vợ chồng ông Chiểu bén duyên với nghiệp nuôi cá Chép giòn, cá Lăng thương phẩm. Dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm, ông xin phép chính quyền lập bè nuôi cá trên con sông trước nhà. Từ số lượng hơn chục bè cá, sau lứa cá đầu tiên thắng lợi, vợ chồng ông mở rộng qui mô sản xuất lên hơn 30 lồng bè.
Tính ham học hỏi, ông Chiểu không ngại đường xa tìm đến các mô hình nuôi cá Chép giòn ở các tỉnh khác học hỏi. Sự cần mẫn, chịu khó của vợ chồng ông đã đem đến những thành công lớn. Liên tiếp bội thu các vụ cá, trại nuôi cá của vợ chồng ông mở rộng gồm 76 lồng bè, trở thành mô hình điểm của tỉnh Thái Bình.
Nổi bật là tấm gương sản xuất giỏi, ông Chiểu được các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình vinh danh. Năm 2016, ông vinh dự nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016. Thành công rực rỡ ở lứa tuổi U50, ai ngờ, một lần nữa “bão táp” lại ập đến. Cũng năm 2016, cơn bão số 01 càn quét qua quê hương, khiến gia đình ông mất trắng 74/76 lồng cá trước ngày thu hoạch. Thiệt hại lồng bè và 400 tấn cá thương phẩm ước tính trị giá gần 21 tỉ đồng.
Trước sự mất mát quá lớn của vợ chồng người nông dân xuất sắc, UBND tỉnh Thái Bình đã trích ngân sách khắc phục bão số 01 hỗ trợ gia đình ông Chiểu gần 800 triệu đồng. Đây là sự động viên không nhỏ để vợ chồng ông thêm niềm tin vượt lên khó khăn, tiếp tục là gương sáng điển hình cho hàng ngàn hộ dân học tập, phát triển sản xuất.
Trải lòng về cuộc đời đi qua muôn vàn gian khó, tỷ phú Phạm Đình Chiểu bảo, đời ông may mắn cưới được người vợ hiền lương. Trong những ngày tháng sai lạc đen tối nhất, tình cảm của vợ con là ánh sáng đưa ông về nẻo thiện.