dd/mm/yyyy

Nghịch tử sát hại mẹ trong tình trạng “ngáo đá” có bị xử lý trách nhiệm hình sự?

Theo luật sư, pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ.

Vụ án mạng kinh hoàng, con trai "ngáo đá" sát hại mẹ già xảy ra vào ngày 4/5 tại thôn Trường Sơn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đã làm rúng động miền quê yên ả bấy lâu. Người dân nơi đây hãi hùng mỗi khi nhắc lại vụ việc. 

Theo thông tin ban đầu vụ việc xảy ra vào khoảng gần 14 giờ ngày 4/5 tại thôn Trường Sơn (phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa). Thời điểm trên, người dân địa phương nghe tiếng la hét, kêu cứu của bà Nguyễn T.D (SN 1961; trú tại địa phương) bị con trai là Lê Hoàng Nam (SN 1987) hành hung.

Lúc này, nhà bà D khóa trái cửa, bên trong chỉ có 2 mẹ con nên người hàng xóm không dám vào trong. Khoảng 30 phút sau, không nghe tiếng bà D kêu la, người hàng xóm mới dám sang nhà thì tá hỏa phát hiện người phụ nữ này đã tử vong tại giếng nước bên hông nhà, trên cổ có 1 vết cắt, còn Nam đang ngồi trong nhà trong tình trạng "ngáo đá". Thời điểm bị công an bắt giữ, Nam vẫn trong tình trạng phê thuốc.

Theo người dân địa phương, Nam là thành phần bất hảo ở địa phương, từng vào tù ra tội và thường xuyên đánh mẹ đẻ của mình khi không xin được tiền để tiêu xài. Nghi phạm này cũng đã bỏ vợ, sống với mẹ đẻ ở địa chỉ trên.

Nghịch tử sát hại mẹ trong tình trạng “ngáo đá” có bị xử lý trách nhiệm hình sự? - Ảnh 1.

Ngôi nhà tại thôn Trường Sơn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa)- nơi đối tượng Lê Hoàng Nam sát hại mẹ già. Ảnh: NLĐ

Theo Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), có thể nói đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng đây không phải là vụ án hiếm gặp mà đã rất nhiều vụ án tương tự xảy ra, các đối tượng ngáo đá đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thương tích hoặc tước đoạt tính mạng của người khác, đặc biệt nạn nhân hầu hết là bạn bè, người quen, gia đình của thủ phạm. Dưới góc độ pháp luật, mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý.

Dưới góc độ pháp luật, "ngáo đá" có thể khiến người sử dụng ma túy gây các tội ác trong tình trạng loạn thần nặng. Pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và "ngáo đá" cũng không ngoại lệ.

Cụ thể theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 thì "Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự". Đồng thời, người "ngáo đá" thực hiện hành vi trong tình trạng loạn thần nhưng không phải là trường hợp bị tâm thần nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt theo tội danh mà mình vi phạm. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được tác hại khi sử dụng các chất kích thích sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát hành vi nên hậu quả xảy ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Với thông tin hiện tại, nguyên nhân nạn nhân chết được suy đoán là do nghi phạm ngáo đá cắt cổ mẹ ruột. Cơ quan công an sẽ phải điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi vi phạm pháp luật; thời gian, nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng sẽ được cơ quan chuyên môn pháp y giám định để làm căn cứ xử lý. Trường hợp xác định đối tượng do ngáo đá mà tự tay cắt cổ mẹ ruột khiến nạn nhân tử vong thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Người "ngáo đá" giết mẹ ruột thì tùy theo mức độ mà có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, trong vụ án này, ngoài hành vi xâm hại đến tính mạng người khác thì còn có dấu hiệu của hành vi xâm hại đến chế độ quản lý độc quyền của Nhà nước về việc sử dụng chất ma túy với mục đích để chữa bệnh. Do đó, cơ quan điều tra cũng cần thiết phải điều tra cũng như mở rộng điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật nếu có vi phạm.

Đây là một vụ án gây rúng động dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như đạo đức xã hội. Sự việc một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn trong xã hội khi các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy dẫn tới ngáo đá, loạn thần. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của sử dụng trái phép chất ma túy để phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

Đồng thời chính quyền địa phương các cấp cần có giải pháp quản lý người nghiện và đấu tranh với tội phạm ma tuý. Cụ thể theo tôi nên tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy tại cơ sở, tổ chức quản lý chặt chẽ cai nghiện ma túy theo nghị định của Chính phủ; tập trung rà soát số người nghiện ma túy có biểu hiện tâm thần "ngáo đá" để chủ động phòng ngừa và quản lý hiệu quả; coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ gia đình, địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và nhóm có nguy cơ cao; có biện pháp quản lý đối tượng nghiện tập trung và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện hiệu quả hơn.

Ngoài ra cơ quan công an cần tổ chức tốt công tác nắm tình hình, đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, các đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để hoạt động phạm tội về ma túy; chủ động phối hợp các lực lượng biên phòng, hải quan trong đấu tranh triệt xóa các điểm, tụ điểm, đường dây mua bán vận chuyển ma túy, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Chỉ khi chúng ta làm tốt công tác đấu tranh phòng chống ma túy thì mới có thể hạn chế những vụ án đau lòng như trên.

Thành Nam