dd/mm/yyyy

Nghịch lý giá lợn tăng 40.000 đồng/kg, người nuôi vẫn găm hàng không bán

Giá lợn tăng liên tiếp, hiện đã sát mức giá 40.000 đồng/kg, tuy vậy thương lái rất khó mua. Trong khi cách đây vài tháng giá lợn rẻ mạt thì người nuôi bán tống bán tháo.

Cảnh mua bán như tranh cướp ở chợ lợn lớn nhất miền Bắc – An Nội (Hà Nam) sáng 13.7. Ảnh: Việt Tùng

Không chỉ lợn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh mà giá thịt lợn trong nước cũng mỗi ngày một giá.

Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn trung bình đã lên từ 37.000 – 38.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng so với hôm qua. Tại một số tỉnh như Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, giá heo lên tới 38.500 đồng/kg; giá thấp nhất hiện cũng đã lên tới 35.000 đồng/kg.

Với mức tăng tương tự, giá heo tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay cũng lên 30.000 – 31.000 đồng/kg.

Giá heo tại khu vực Đông Nam Bộ sáng nay là 29.000 – 32.000 đồng/kg, chỉ tăng nhẹ 500 đồng so với hôm qua. Trong khi đó, giá tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không đổi ở 30.000 – 31.000 đồng/kg.

Ngày 13.7, công ty CP thông báo tiếp tục tăng giá lợn mua tại trại thêm 2.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg, giá tại trung tâm Hoà Bình, Hải Phòng 34.500 đồng/kg, tại kho Bắc Giang là 35.000 đồng/kg.

Ngày 13.7, tại Hà Nam giá lợn đã tăng lên 39.000 đồng/kg. (Trong ảnh: Ông Đào Ngọc Điệp, thôn 3, xã Bồ Đề (Bình Lục, Hà Nam) hiện đang nuôi 300 con lợn thịt). Ảnh: Việt Tùng

 Với giá lợn hiện nay, người chăn nuôi đã cơ bản hòa, những hộ nuôi nhiều đã bắt đầu có lãi, tuy nhiên hiện tổng đàn lợn trong dân không còn nhiều, điển hình như ở “thủ phủ” lợn xã Ngọc Lũ (Bình Lục), đàn lợn còn trong dân không đáng kể. Do đó, mốc 40.000 đồng chắc chắn sẽ bị phá vỡ trong vài ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Giám đốc BQL chợ lợn An Nội

Khảo sát tại chợ lợn lớn nhất miền Bắc – An Nội (Bình Lục, Hà Nam) sáng 13.7, không khí buôn bán, trao đổi lợn đã nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến chiều tối do nhu cầu tiêu thụ lợn đang ngày một tăng lên. Tại đây luôn xuất hiện hàng trăm thương lái trao đổi, mua bán lợn.

Vừa đưa xe tải 3 tấn vào chợ, anh Nguyễn Văn Tuấn một lái buôn chuyên đưa lợn đi Hải Dương, Hải Phòng chia sẻ: “Giá lợn chính thức nhích lên khoảng nửa tháng nay, song tăng mạnh nhất từ thứ bảy tuần trước tới nay. Nếu hôm qua giá lợn giao động từ 33.000 – 35.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 36.000 – 38.000 đồng/kg, lợn ngon có lúc lên đến 39.000 đồng/kg”.

Anh Lên Văn Tuyên, một thương lái đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề buôn lợn, thị trường tiêu thị chính của anh Tuyên là Hà Nội cũng cho biết: “Giá lợn đang tăng lên từng ngày, nhưng lượng lợn đang dần khan hiếm. Nếu có lợn, hiện mỗi ngày tôi tiêu thụ khoảng 30 con (tương đương 3 – 3,6 tấn), nhưng hai hôm nay chỉ “gom” được độ 20 con/ngày”.

 Còn anh Nguyễn Thế Anh – Phó Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (Ứng Hòa, Hà Nội) lại tỏ ra thận trọng: “Giá lợn hơi tăng quá “nóng” và không bình thường nên tôi chưa bán vội, đợi xem tình hình như thế nào, dù hiện tại trong trại của tôi vẫn còn 15 nghìn lợn thịt”.

Thương lái đổ về các trang trại thu mua lợn ngày càng nhiều. (Trong ảnh: Thương lái chọn lợn tại trang trại ở Hà Nam). Ảnh: Việt Tùng.

Anh Nguyễn Thế Anh cũng cho rằng, hiện nay số lượng lợn trong dân không còn nhiều, giá lợn hơi có khả năng tiếp tục tăng, nhưng chỉ loanh quanh ở mức 35 nghìn đồng/kg, khó có khả năng tăng đột biến.

Trước diễn biến "nóng" của giá lợn, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi nên bình tĩnh tìm hiểu thêm thông tin. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận: Trung Quốc chưa chấp nhận nhập thịt lợn chính ngạch từ Việt Nam, thị trường tiểu ngạch lại không ổn định, người chăn nuôi nên bình tĩnh để tránh "vết xe đổ" khủng hoảng thừa như vừa qua.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng nêu ý kiến: Nguồn lợn hơi “quá khổ” đã tương đối cạn và người dân đã gần như kiệt vốn, nên sẽ không có chuyện tái đàn vô tội vạ. Giá lợn có thể tăng nhưng khó có khả năng tăng như kỳ vọng, bởi dù các nông hộ đã bỏ nghề, nhưng tổng đàn lợn của các DN vẫn còn rất lớn.

Hữu Bình