dd/mm/yyyy

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (kỳ 2):

Bà con người Giẻ Triêng, người Ê Đê, người Gia Rai… sống ở các huyện biên giới như Sa Thầy, Đăk Glei, Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum luôn tự hào là vùng nói không với ma túy và không trồng cây có chất ma túy. Việc này được tạo nên bởi sự đoàn kết của nhân dân cũng như sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương.

Kỳ 2: Vành đai xanh không ma túy trên cao nguyên

Đường đến các xã vùng cao của tỉnh Kon Tum giờ đây không còn cảnh núi cách sông ngăn như những năm trước đây. Điện đường, trường trạm đã được hoàn thiện. Con em đồng bào dân tộc được đi học đến nơi đến chốn. Vui hơn cả là giữa vùng cao nguyên bao la, bà con đã lập nên kì tích là xây dựng buôn, làng nói không với ma túy và không trồng các loại cây có chứa chất ma túy.

Buôn làng nói không với cây có chất gây nghiện

Thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nằm giáp biên giới việt Lào. Đây là nơi sinh sống của 84 hộ đồng bào Giẻ Triêng. Đây là thôn tương đối non trẻ so với 5 thôn khác của xã, nhưng bà con đã dần ổn định cuộc sống. Từng dãy nhà kiên cố được lợp tôn nối dài theo con đường bê tông phẳng lì.

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (kỳ 2): - Ảnh 1.

 Thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nằm giáp biên giới việt Lào luôn bình yên vì không có tệ nạn ma túy. Ảnh: Khương Lực 

Gia đình ông A Thửa – Trưởng ban Mặt trận thôn Đăk Nớ ở cạnh đường cái. Hôm chúng tôi đến thăm, ông A Thửa đang cùng mấy người đàn ông trong thôn bàn cách giúp một số hộ dân trong thôn sửa sang nhà cửa. Bà con Giẻ Triêng sống luôn đoàn kết, gia đình nào có công việc là cả thôn cùng nhau giúp đỡ. Sống ở vùng sâu vùng xa, nhưng nhà ông A Thức có cuộc sống tương đối tươm tất. Vui hơn cả là các con của ông được học hành đến nơi đến chốn.

Gia đình ông A Thửa đã gắn bó nhiều đời với vùng biên giới. Họ sống yên bình cùng núi rừng và ông A Thửa luôn tự hào Đăk Nớ có 84 hộ gia đình thì cả 84 hộ không có người nghiện và không có người liên quan đến việc trồng các cây có chứa chất ma túy. Theo ông A Thửa, từ xa xưa ở trong thôn luôn có quy ước, gia đình phải quản lý con cái chặt chẽ, không để kẻ xấu len lỏi đưa tệ nạn vào thôn. Nếu ai phát hiện có người lạ đến gieo giắc cái chết trắng phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Gia đình nào để có thành viên liên quan đến ma túy sẽ bị thôn đồng lòng xử lý nghiêm khắc, phê bình trước toàn thôn.

Cũng giống như gia đình ông A Thửa, các gia đình người Giẻ Triêng sống yên ấm nơi biên giới từ bao đời nay, bà con Giẻ Triêng đã xây dựng được cộng đồng rất đoàn kết. Họ giúp đỡ nhau trong đời sống và cùng nhau phòng chống tệ nạn xã hội vô cùng hiệu quả. Ở mỗi gia đình, các thành viên lớn tuổi luôn tự giác thực hiện việc đó. Họ cùng bảo ban con cháu thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước và tuyệt đối không tham gia trồng các loại cây có chất ma túy. Bà con sống ở các thôn khác của xã Đăk Nhoong cũng thực hiện rất tốt chính sách nói không với chất gây nghiện mà bao đời cha ông họ đã thực hiện.

Bà Krinh Thùy Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cũng luôn tự hào xã biên giới là pháo đài bất khả xâm phạm. Ma túy, tệ nạn xã hội và trồng cây có chứa chất ma túy không có đất sống ở nơi này. Ở mỗi thôn xã đều xây dựng một nhà Rông – nhà cộng đồng. Cứ mỗi dịp họp thôn, bà con lại cùng nhau ra nhà Rông cùng nhau bàn về các việc trọng đại của thôn. Mỗi gia đình cử một người đi họp. Họ cùng nhau đóng góp xây dựng hương ước của thôn và kiểm thảo lại những gì đã xảy ra. Những việc đã làm và chưa làm được đều được bà con đưa ra bàn thảo nghiêm túc.

"Nhờ những buổi họp rất cởi mở và chân thành đó mà các thôn của xã luôn giữ được nếp sống ổn định. Không có gia đình nào có con cái liên quan đến ma túy. Việc tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước vô cùng thuận lợi. Bà con đều cùng đồng lòng xây dựng buôn làng an toàn và nói không với tệ nạn" - bà Krinh Thùy Trang cho biết.

Mỗi buôn làng là một vành đai xanh

Những ngày đi và được tiếp xúc với bà con người dân tộc nơi đây, chúng tôi càng thấu hiểu những nỗi khó khăn và vất vả của bà con. Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc phòng chống trồng cây có chất ma túy đã được quán triệt tới từng gia đình. Theo ông Hoàng Kim Điển, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy: "Chủ trương đó đã được bà con đón nhận và thực hiện nghiêm túc. Ở mỗi buôn, mỗi làng, mỗi thôn, bà con đều có kí cam kết là không tiếp tay và trồng các loại cây có chất gây nghiện. Việc này được toàn dân ủng hộ, nên suốt thời gian qua ở huyện Sa Thầy không phát hiện trường hợp nào trồng loại cây này".

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (kỳ 2): - Ảnh 3.

Từ xa xưa ở trong thôn luôn có quy ước, gia đình phải quản lý con cái chặt chẽ, không để kẻ xấu len lỏi đưa tệ nạn vào thôn cho nên thôn Đăk Nớ có 84 hộ gia đình thì cả 84 hộ không có người nghiện và không có người liên quan đến việc trồng các cây có chứa chất ma túy. Ảnh: Khương Lực

Ngăn chặn tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy ở Tây Nguyên (kỳ 2): - Ảnh 4.

Trẻ em ở thôn Đăk Nớ được học hành, vui chơi trong môi trường bình yên, không có tệ nạn xã hội. Ảnh: Khương Lực

Tại các xã giáp biên, đất rừng mênh mông lại thưa dân, trước đây đã từng có những đối tượng xấu định gieo rắc cái chết trắng tại nơi đây đều bị bà con báo chính quyền xử lý. Ý thức được việc phòng chống ma túy  trên toàn tuyến biên giới, nên mỗi người dân đều tự giác thực hiện. Mỗi gia đình đều tự nguyện thực hiện nghiêm túc việc này.

Ông A P Lưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cũng là người dân tộc Gia Rai nên ông hiểu rất rõ tâm ý của đồng bào. Ông A P Lưng cũng luôn tự hào là chỉ có vùng đồng bào Tây Nguyên sinh sống là các buôn làng tuyệt đối nói không với ma túy. Cái lệ này đã gắn bó bao đời, nó xuyên suốt trong tư tưởng của mỗi gia đình.

"Từ xưa đến nay, đồng bào sống ở vùng cao nguyên chưa từng tiếp xúc và tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ xấu trồng cây có chứa chất ma túy ở đất này. Phát huy tinh thần đó mà đến nay trong các buôn làng luôn được coi là vành đai xanh tuyệt đối an toàn", ông A P Lưng cho biết thêm.

Việc phòng chống ma túy và trồng cây có chất gây nghiện ở tỉnh Kon Tum được cả hệ thống chính quyền vào cuộc. Ngày 18/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành số 19-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy phức tạp, kéo dài ở địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách, quản lý. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người thân và Nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt quy định của pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại và hiểm họa ma túy với nội dung, hình thức phù hợp cho từng địa bàn, nhóm đối tượng theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về ma túy và thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm và kiểm soát ma túy, gắn với ưu tiên triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn biên giới, nhất là chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất...

Khương Lực