dd/mm/yyyy

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu

Những năm gần đây “nữ hoàng quả khô” – mắc ca đã và đang giúp nông dân vùng khó huyện Kbang (Gia Lai) thoát nghèo và làm giàu hiệu quả trên mảnh đất cằn.

Năm 2010 ngay khi giá cà phê sụt giảm, người dân Kbang đã thí điểm trồng thử nghiệm mắc ca tại địa phương. Vì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên mắc ca sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mắc ca.

Sau quá trình nhân rộng loài cây triệu đô, hiện Kbang là địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Gia Lai với 2.000 ha. Huyện Kbang cũng là địa phương đi đầu trong việc thí điểm trồng mắc ca, tập trung chủ yếu ở các xã Sơ Pai, Sơn Lang, Đak Rong và Krong.

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu - Ảnh 1.

Đến nay mắc ca đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng khó

Sau 13 năm bén rễ trên đất Kbang, đến nay mắc ca đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng khó. Đặc biệt nhiều hộ dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/năm nhờ “sống chung” với loài cây triệu đô.

Trò chuyện với PV, anh Lại Huy Hưng (trú thôn 4, xã Sơ Pai, huyện Kbang) cho biết: “Gia đình mình có khoảng 3ha mắc ca. Nếu như thời tiết thuận lợi, dự kiến năng suất mỗi vụ có thể đạt 5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi ha sẽ thu về từ 130 - 150 triệu đồng. So với cây cà phê, trồng mắc ca có nhiều thuận lợi hơn, chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu tiên, sau đó mỗi năm chỉ cần bón phân 2 - 3 lần và tưới nước thường xuyên là cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn thế, cây mắc ca còn có khả năng chịu hạn và chống chịu sâu bệnh tốt, rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở Kbang”.

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu - Ảnh 2.

Hiện 1kg mắc ca có giá dao động từ 250.000 đến 360.000 đồng

Tương tự, gia đình chị Trần Thị Hòa (thôn 3, xã Sơ Pai) cũng trồng hơn 1 ha mắc ca xen cà phê. “Việc trồng xen cây mắc ca và cà phê cho hiệu quả rất cao bởi lượng nước tưới, phân bón từ gốc cà phê sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca. Ngược lại, cây mắc ca sẽ chắn gió, tạo điều kiện cho cây cà phê ra hoa, đậu quả, nhất là ở vùng đồi cao. So với trồng keo, bời lời thì trồng mắc ca mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều”, chị Hòa cho hay.

Theo đánh giá của ông Võ Thanh - Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, xã Sơ Pai nói riêng và huyện Kbang nói chung có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây mắc ca phát triển. Ngoài cây cà phê được xem là chủ lực thì mắc ca cũng cho giá trị kinh tế rất cao. Thậm chí, thời điểm hiện tại, giá trị kinh tế từ cây mắc ca cao hơn nhiều so với cây cà phê.

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu - Ảnh 3.

Việc trồng xen cây mắc ca và cà phê đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngoài Sơ Pai, “nữ hoàng quả khô” – mắc ca còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Sơn Lang. Theo đó, trên địa bàn xã Sơn Lang hiện có khoảng 500 ha mắc ca được người dân trồng xen với cây cà phê.

“Cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế rất cao, giúp đời sống người dân trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ dân không chỉ trồng mà còn đầu tư máy móc để chế biến hạt mắc ca thành phẩm. Theo đó, các sản phẩm mắc ca của địa phương đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa…”, ông Đinh Văn Hdăn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang chia sẻ.

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu - Ảnh 4.

Nếu như năm 2015 huyện chỉ có khoảng 100ha thì đến nay đã có hơn 2.000ha cây mắc ca

Được biết, theo “quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030”, Kbang là địa phương duy nhất tại Gia Lai được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch trồng cây mắc ca. Từ chỗ chủ yếu được người dân trồng xen cà phê, hiện nay diện tích mắc ca đã được mở rộng, cả hình thức trồng xen và trồng thuần. 

Không chỉ tiêu thụ quả tươi, hiện trên địa bàn huyện Kbang đã có hàng loạt cơ sở chế biến hạt mắc ca ở quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến từ mắc ca tại huyện Kbang khá đa dạng, gồm hạt mắc ca sấy khô, sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca, nhân mắc ca nhào mật ong.

Gia Lai: “Nữ hoàng quả khô” bén đất Kbang giúp nông dân vùng khó làm giàu - Ảnh 5.

Người dân đầu tư máy móc chế biến, đa dạng các sản phẩm từ quả mắc ca

Ông Mã Văn Tình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kbang cho hay, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi và rất phù hợp với cây mắc ca, nên huyện Kbang đã xây dựng kế hoạch và định hướng đến năm 2030 sẽ có trên 3.000 ha.

“Để đạt được mục tiêu này, ngay từ năm 2018, địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng xen cây mắc ca cùng với các loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, địa phương cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu”, ông Tình cho biết thêm.


Bài và ảnh: Trần Hiền