Thứ Hai, ngày 17/02/2025 01:19 PM (GMT+7)

Nông dân Sơn La 'hái ra tiền' từ trồng cây ăn quả trên đất dốc

Văn Ngọc

17/02/2025 13:19 GMT +7

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, đưa cây ăn quả trồng thay thế cho những diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả trên đất dốc là cách làm đem lại thu nhập ổn định cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn (Sơn La).

Clip: Nông dân Mai Sơn phát triển cây ăn quả.

Ổn định thu nhập từ trồng cây ăn quả

Về các xã Cò Nòi, Hát Lót, Nà Sản,… của huyện Mai Sơn (Sơn La), đến đâu chúng tôi cũng thấy màu xanh của các loại cây ăn quả trải dài từ dưới thung lũng, đến các sườn đồi. Nhờ cây ăn quả mà đồng bào người Thái, người Mông, người Kinh,.. ở vùng đất này có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Nhà thu nhập ít thì vài trăm triệu, nhà nhiều thì đến cả tỷ đồng, từ đó đời sống của người dân được nâng cao.

Có được kết quả như ngày hôm nay là cả một hành trình dài; sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền trong phát triển kinh tế; sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong làm nông nghiệp; chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay huyện Mai Sơn là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La.

Huyện Mai Sơn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện, chúng tôi tìm đến vườn na của gia đình ông Phùng Quang Mai, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La). Hôm chúng tôi xuống thăm nhà, ông Mai đang ở trong vườn, bọc từng quả na bằng túi bao trái chuyên dụng để phòng trừ sâu, bệnh làm ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng quả na.

Vườn na của ông Mai được trồng ở khoảnh đồi sau nhà rộng chừng nửa ha. Các cây na được trồng bài bản, theo hàng, theo lối. Dưới mỗi gốc na là một bao phân ủ hoai mục và một ống tưới nhỏ giọt. Trên thân cây cành, lá được cắt tỉa gọn gàng theo chủ đích của chủ vườn; quả na nào có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, ngoại hình đẹp sẽ được để lại vào bao trái cẩn thận để phòng trừ sâu bệnh hại.

"Mình trồng như này để thuận tiện cho việc chăm sóc, đi lại trong vườn thuận tiện hơn, vườn cũng gọn gàng hơn", ông Mai nói.

Toàn bộ vườn na này của gia đình ông là na dai, qua vài năm canh tác, cây na dai phát triển chậm, thường bị sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng quả kém, cùng với đó giá cả không ổn định, gia đình ông đã quyết định cắt tỉa và ghép toàn bộ diện tích na dai sang giống na sầu riêng. Cũng theo ông Mai, đối với cây na sầu riêng, nếu bón phân hóa học quá nhiều làm ảnh hưởng đến cây, năng suất sẽ không cao, nên ông đã tận dụng chất thải trong chăn nuôi, ủ thành phân hoai mục bón cho cây.

Hiện nay gia đình ông Mai trồng 350 gốc na, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón. Nhờ vậy sản phẩm na của gia đình ông được thương lái đến thu mua tận vườn. Một phần gia đình ông có hợp đồng bao tiêu với một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng. Trừ chi phí gia đình thu về hơn 300 triệu đồng từ vườn na.

Ông Phùng Quang Mai, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) chăm sóc vườn na. Ảnh: Văn Ngọc

Rời mảnh đất Cò Nòi, chúng tôi về xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) - vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót có quy mô 1.800 ha, sản xuất tập trung các loại cây ăn trái: Xoài, nhãn, mận hậu, thanh long, là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến. Nhờ phát triển cây ăn quả, nông dân nơi đây có thu nhập ổn định.

Ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) cho biết: Xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các bản, tiểu khu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, đưa những cây giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Hội viên nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn có thu nhập ổn định từ phát triển cây ăn quả  trên đất dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Định hướng phát triển cây ăn quả bền vững

Với trên 11.200 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 90.000 tấn/năm, huyện Mai Sơn là một trong những địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La. Thời điểm này, bà con nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, duy trì cho cây ăn quả phát triển, đảm bảo năng suất, chất lượng mùa vụ.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan cùng các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp đủ nước, vật tư phân bón cho cây.

Hội viên nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Đồng thời, phối hợp các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành các phương pháp, cách xử lý phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho cây sinh trưởng đạt năng suất, chất lượng sau thu hoạch.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, các HTX tích cực chăm sóc cây theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ. Hiện nay, toàn huyện có hơn 4.200 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1.800 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ; 1.119 ha thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP.

Huyện Mai Sơn hiện là một trong những vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến hoa quả. Ảnh: Văn Ngọc

Đồng thời, huyện đẩy mạnh xây dựng và thực hiện theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ người sản xuất đến các đầu mối tiêu thụ; thực hiện từ khâu cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.

Những triền đồi cằn cỗi trước đây vốn chỉ trồng sắn, trồng ngô giờ đây từng bước được thay thế bằng vườn cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định. Từ những thành quả và kinh nghiệm, Mai Sơn định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn với mục tiêu cụ thể, với các giải pháp phù hợp để từng bước giúp kinh tế - xã hội của huyện đi lên, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.

Vùng đất biên giới phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng

Vùng đất biên giới phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng

Sông Mã là một trong những huyện có điều kiện phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La. Những năm qua, địa phương này đã tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, phục vụ xuất khẩu.

'Cầm tay chỉ việc' giúp nông canh tác vườn cây ăn quả cho năng xuất cao

"Cầm tay chỉ việc" giúp nông canh tác vườn cây ăn quả cho năng xuất cao

Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức cho hội viên nông dân Chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự và “5 cùng”, trên địa bàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về thâm canh cải tạo vườn cây ăn quả tại huyện Yên Châu (Sơn La).

Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Tát Ướt: Đẩy mạnh thâm canh, cải tạo vườn cây ăn quả

Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Tát Ướt: Đẩy mạnh thâm canh, cải tạo vườn cây ăn quả

Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức Lễ ra mắt Chi hội Nông dân nghề nghiệp "5 tự" và "5 cùng" bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu (Sơn La).