Ai đã từng đến với Nậm Pồ mới thấu hiểu được giá trị của những mùa gặt nơi đây. Huyện được thành lập năm 2012 trên cơ sở tiếp nhận những xã khó khăn nhất được tách ra từ 2 huyện: Mường Nhé và Mường Chà (tỉnh Điện Biên).
Ở Nậm Pồ, bà con các dân tộc sinh sống bằng nghề nông là chính. Nhưng mảnh đất này không có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: Địa hình núi cao, vực sâu, thiếu nguồn nước tưới chủ động; hạ tầng cơ sở phục vụ nông nghiệp còn hạn chế, giao thông khó khăn; thời tiết ở nơi này khắc nghiệt, mưa lũ thường xuyên hoành hành… Đặc biệt, trình độ canh tác nông nghiệp của bà con trong nhiều năm trước đây còn ở mức thấp, chủ yếu là gieo cấy lúa nương, trồng ngô và 1 số cây ngắn ngày khác. Vì vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ở Nậm Pồ những năm huyện mới thành lập ở mức cao nhất tỉnh. "Khi vào huyện, chúng tôi trăn trở bao ngày với một câu hỏi lớn: Làm thế nào để xoá nghèo cho dân, mà phải là xoá nghèo bền vững" - ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nậm Pồ tâm sự như vậy.
Để giúp bà con nông dân cải thiện cuộc sống từ nghề nông, đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực, các đơn vị: Phòng Nông nghiệp, Khuyến nông, Hội Nông dân… ở Nậm Pồ đã cử cán bộ bám bản, bám dân, tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích lúa nương, đầu tư thâm canh lúa ruộng. Những lớp tập huấn khuyến nông ngày một dày thêm, nông dân tham gia các lớp tập huấn ngày một nhiều. Từ chỗ phải "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn bà con từ cách cầm cuốc, cầm cày sao cho đúng; be bờ sao cho kín nước; làm đất, cấy lúa sao cho đứng cây mạ, nhanh bén rễ…
"Người vùng cao khi được tai nghe, mắt thấy rõ kết quả thì mới nghe theo, làm theo lời cán bộ. Mà để người dân sớm nghe theo, làm theo thì cán bộ bắt buộc phải "3 cùng" với dân; phải nói cho dân hiểu, phải làm cho dân tin và đặc biệt là phải rất kiên trì" - Ông Nguyễn Văn Thái, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ những ngày đầu thành lập huyện từng tâm sự như vậy.
Cũng chính từ sự kiên trì của đội ngũ cán bộ bám bản, bám dân, đến nay ở Nậm Pồ đã có một số lượng lớn nông dân khá thành thục về thâm canh ruộng nước. "Chính nhờ bà con nông dân đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm và hăng hái làm ruộng nước nên diện tích vụ Đông Xuân của chúng tôi năm nay, đạt tới 190,4ha; năng suất ước đạt 52,5 tạ/ha. Tổng sản lượng thóc của vụ Đông Xuân này đạt xấp xỉ 1.000 tấn. Đó là kết quả rất lớn, ngoài cả sự mong đợi của chúng tôi" - ông Vũ Thanh Hải, bảo vậy.
Bên bản Nương (xã Nà Bủng, huyện nậm Pồ), gia đình ông Giàng A Ly đang thu hoạch lúa. Ông Ly bảo: Mình làm nông nghiệp nhiều năm rồi nhưng mãi tới năm 2016, được cán bộ tập huấn nhiều lần, mình mới biết làm lúa ruộng vụ Đông Xuân đấy. Từ ngày biết làm lúa 2 vụ, lương thực của nhà mình tăng lên nhiều lần, không chỉ đủ ăn, còn có để bán và chăn nuôi gia súc nữa. Năm nay, cái bệnh Covid - 19 hoành hành nhưng trời lại thương nên dân Nậm Pồ được mùa lúa tốt lắm. Chưa năm nào năng suất lúa ở Nà Bủng cao nhưng năm nay đâu".
Trở lại phòng NN&PTNT huyện Nậm Pồ, được anh Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng, cho biết thêm: Vụ Đông Xuân năm nay, chúng tôi chủ động xây dựng lịch gieo cấy sớm hơn so với toàn tỉnh để tranh thủ yếu tố thời tiết thuận lợi. Đồng thời ưu tiên cơ cấu giống lúa thuần chất lượng cao, lúa nếp, lúa tẻ địa phương nên khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh cũng rất tốt. Thành công của vụ Đông Xuân này chưa cao nhưng là cơ sở thuận lợi để chúng tôi vận động bà con các dân tộc giảm bớt diện tích lúa nương, tăng diện tích và năng suất cây lúa nước. Vụ lúa mùa là vụ chính của Nậm Pồ, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch gieo cấy đạt hơn 2.268 ha, tăng 166 ha so với năm 2020 với sản lượng dự kiến trên 11.500 tấn. Thành công của thâm canh lúa nước sẽ giúp nông dân trong huyện thay đổi nhận thức, giảm cây trồng ngắn ngày trên nương, biết thâm canh, tăng vụ. Đó là những tiền đề quan trọng cho xoá đói, giảm nghèo bền vững và từng bước bắt tay vào sản xuất hàng hoá từ nông nghiệp ở vùng đất gian khó này.