dd/mm/yyyy

Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện quy mô trang trại

Tại các tỉnh phía Bắc, nhiều hộ trang trại đã đăng ký vay vốn đầu tư vào mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện Lcasp.

Mới đây, Ban quản lý dự án hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (Lcasp) tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông kết nối tín dụng tại 5 tỉnh trung du miền núi phía Bắc gồm: Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai và Sơn La.

Mục tiêu của chuỗi sự kiện là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Lcasp, gỡ điểm nghẽn về tiến độ giải ngân nguồn vốn cho chuỗi giá trị khí sinh học và các hạng mục môi trường đi kèm.

Hội thảo tại Nam Định thu hút đông đảo bà con tham gia.
Hội thảo tại Nam Định thu hút đông đảo bà con tham gia.

Tại hội thảo diễn ra ở Nam Đinh, đại diện ngân hàng đã giới thiệu các gói tín dụng, quy trình, thủ tục vay vốn và giải đáp các thắc mắc về vay vốn cho các hộ, trang trại chăn nuôi.

Tại sự kiện, đại diện Lcasp giới thiệu đến bà con mô hình xử lý chất thải chăn nuôi toàn diện quy mô trang trại, bao gồm các cấu phần: hệ thống tách chất thải để thu hồi chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, hệ thống phát điện khí sinh học để sử dụng triệt để khí gas, hệ thống sử dụng nước thải sau công trình khí sinh học tưới vườn.

Theo tính toán của đại diện dự án, hiệu quả đầu tư ở trang trại chăn nuôi lợn thịt, chi phí đầu tư các cấu phần tương đối cao. Cụ thể, hệ thống tách chất thải làm nguyên liệu là khoảng 400 triệu đồng, hệ thống phát điện khí sinh học 377 triệu đồng và hệ thống bể xử lý nước thải sau biogas và bơm tưới là 65,8 triệu đồng.

Sơ đồ mô hình Lcasp.
Sơ đồ mô hình Lcasp.

Tuy nhiên, chi phí thu lại từ đầu tư đáng kể. Lợi nhuận từ bán nguyên liệu phân hữu cơ tối thiểu 118 triệu đồng mỗi năm cho chủ trang trại có quy mô khoảng 2.000 lợn thịt, 180 triệu đồng mỗi năm từ tiết kiệm tiền điện lưới và 20 triệu đồng mỗi năm tiết kiệm từ giảm sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng (chưa kể hàng trăm ngày công lao động).

Điều kiện áp dụng công nghệ máy tách phân là trang trại tối thiểu 2.000 heo (hoặc trang trại bò có lượng chất thải tương đương), công nghệ máy phát điện ứng dụng ở trang trại có nhu cầu sử dụng điện tối thiểu 30 triệu đồng mỗi tháng. Công nghệ sử dụng nước thải sau biogas tưới cây là những trang trại có diện tích trồng trọt lân cận đủ lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đầu tư theo mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của dự án Lcasp, tỷ suất lợi nhuận tối thiểu là 20% một năm. Tùy điều kiện cụ thể, chủ trang trại có thể áp dụng một, hai hoặc ba công nghệ để đạt hiệu quả xử lý môi trường bền vững.

Tiếp cận vốn tín dụng đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi

Để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường, dự án Lcasp bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Hợp tác xã.

Ông Triệu Đình Vị - Phó giám đốc Agribank Nam Định trả lời câu hỏi của bà con.
Ông Triệu Đình Vị - Phó giám đốc Agribank Nam Định trả lời câu hỏi của bà con.

Theo ông Triệu Đình Vị - Phó giám đốc Agribank Nam Định, từ năm 2013, khi Hiệp định 2968 VIEgiữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Châu Á ADB ký kết, Agribank Việt Nam và Sở nông nghiệp nông thôn tỉnh Nam Định, Agribank Nam Định đã chỉ đạo các chi nhánh thực hiện nghiệp vụ cho vay vốn, hỗ trợ cho dự án carbon thấp.

Mức vay tối đa cho các khoản vay nhỏ là 100 triệu đồng , thời hạn cho vay tối đa 5 năm. Các khoản vay quy mô vừa là 1,7 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm. Các khoản vay lớn là 3,74 tỉ đồng với thời hạn cho vay 10 năm và lãi suất ưu đãi bằng 90% lãi suất nông nghiệp nông thôn với đối tượng nông lâm ngư diêm nghiệp.

Anh Trịnh Văn Kiên - một trong những nông dân đến từ Hải An, Hải Hậu, Nam Định cho biết, hội thảo đã giúp các nông dân hiểu rõ về tác hại của chất thải chăn nuôi với môi trường, những lợi ích của hệ thống xử lý chất thải theo mô hình Lcasp cũng như các thủ tục vay vốn và những giấy tờ liên quan.

Anh Trịnh Văn Kiên, một chủ trang trai phấn khởi khi nhiều thắc mắc được giải đáp thấu đáo.
Anh Trịnh Văn Kiên, một chủ trang trai phấn khởi khi nhiều thắc mắc được giải đáp thấu đáo.

Bước đầu, mô hình đã chứng minh hiệu quả tích cực trong xử lý chất thải chăn nuôi và thuyết phục các trang trại làm theo. Dù còn gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia đánh giá đây là hướng đi đúng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Hà Trương