Sau hai năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, Nguyễn Đức Huy đã là chủ của Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Canh Việt với kỹ thuật canh tác mới nhất - ứng dụng công nghệ điện toán đám mây.
Thích dồn mình vào chỗ bí
Năm 2014, sau một thời gian thử việc, thạc sĩ công nghệ sinh học Nguyễn Đức Huy cầm trong tay quyết định tuyển dụng vào biên chế thuộc Phòng Kinh tế, UBND TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Đây quả là một vị trí đáng mơ ước của nhiều thanh niên mới ra trường. Thế nhưng, Huy đã quyết định bỏ công chức để về trồng rau.
Bạn bè và gia đình đều ngỡ ngàng bởi quyết định khác người đó của Nguyễn Đức Huy. Bật mí với chúng tôi, Huy tâm sự: “Thông thường, người ta kiếm được một chân nhà nước cho chắc, sau đó thì tìm cách làm thêm ở ngoài, như vậy là ổn thỏa. Nhưng mình nghĩ, nếu cứ chân trong chân ngoài như vậy thì không làm được việc gì ra hồn. Mình muốn dồn mình vào chỗ bí. Trắng tay, không có lương, không công ăn việc làm, lúc đó, mình sẽ dồn hết sức mình tìm kiếm giải pháp và sống hết mình cho công việc yêu thích!”.
Nghĩ là làm, với số vốn đi vay ban đầu là 150 triệu đồng, Nguyễn Đức Huy tìm đối tác làm vườn. Người ta có đất, có nhân công, mình có vốn, có kỹ thuật, hợp tác làm ăn, lãi chia đôi. Từ đó, Huy gắn bó với vườn rau, mày mò, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Đồng vốn bắt đầu nảy nở sinh sôi, Huy đầu tư mua đất làm vườn riêng của mình. Đến bây giờ Huy đã là ông chủ của 7 khoảnh vườn với tổng cộng 2 ha trồng đầy đủ các loại rau, quả. Mùa nào thức nấy, vườn của Huy không khi nào hết màu xanh cây trái.
Hỏi về thu nhập, Huy nói: “Người làm vườn, rất ngại nói đến tỉ nọ tỉ kia, nhưng anh cứ tính thế này cho dễ, trồng rau công nghệ cao ở Đà Lạt bây giờ, trung bình mỗi sào đất cho lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng, cứ thế mà suy ra…”.
Lướt mạng để quản lý vườn
Không kể nhân công thời vụ, Huy có 7 công nhân lao động thường xuyên trong khu vườn. Những công nhân này được Huy đào tạo bài bản, ngày đêm chăm bẵm cho rau. Còn ông chủ vườn thong thả ngồi máy tính, hoặc cầm điện thoại thông minh quản lý quá trình sinh trưởng của rau, quả qua thông tin được truyền về bằng công nghệ điện toán đám mây.
Ở thành phố Đà Lạt, Nguyễn Đức Huy không chỉ nổi tiếng về sản phẩm uy tín chất lượng mà còn được các chủ vườn khác nể phục bởi là người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ điện toán đám mây trên không gian mạng vào sản xuất. Nguyễn Đức Huy chia sẻ với tâm huyết sâu sắc của người từng trải nghiệm: “Chỉ có nông dân mới chế tạo máy móc phù hợp nhất với họ, bởi họ trực tiếp làm việc, hiểu công việc, biết yêu cầu, cái gì mình cần, cái gì cây cối cần. Đó chính là nguyên nhân hàng loạt nhà sáng chế nông dân xuất hiện như chúng ta đang thấy…”.
Ngồi uống cà phê với chúng tôi, nhưng Huy vẫn cập nhật tất cả các dữ liệu liên quan đến quá trình sinh trưởng của vườn cây qua chiếc điện thoại thông minh. Dữ liệu về sự thay đổi của nhiệt độ tại các vườn, quá trình sinh trưởng của cây đều được các con chip gắn tại vườn, dưới từng máng, từng gốc cây liên tục gửi về máy chủ bằng công nghệ điện toán đám mây. “Nếu phát hiện ra điều bất thường, mình sẽ điều chỉnh, còn nếu không thì nước, phân, nhiệt độ vẫn duy trì như chương trình đã cài đặt sẵn”, Huy cho biết.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năng suất của những khu vườn cũng vượt trội. Mỗi gốc cà chua có thể thu hoạch từ 6kg - 8kg (có những gốc thu 10kg, bình thường chỉ 3kg - 4kg/gốc); ớt ngọt từ 5kg - 6kg/gốc (gần gấp đôi bình thường); dưa leo 3kg/gốc... Với sản lượng bình quân 500kg/ngày gồm 32 loại nông sản rau, củ, quả khác nhau, hiện nhà vườn của Huy không đủ sản phẩm để bán theo nhu cầu.
Anh Huy tâm sự: “Làm nông, quan trọng nhất là tìm đầu ra, sau đó thì cân bằng sản lượng với khả năng tiêu thụ, nếu không, rất dễ rơi vào tình trạng “giải cứu nông sản”. Theo Huy, người làm nông nghiệp bây giờ sợ nhất là không “đo lường” được nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, áp lực của hàng giá rẻ Trung Quốc là rất khủng khiếp…”.
Được biết, đang có rất nhiều thương hiệu lớn đề nghị mua lại chương trình quản lý nhà vườn công nghệ mới nhưng Huy không đồng ý. Với doanh thu ổn định như hiện tại, Huy không cần thêm vốn, cũng chưa cần mở rộng sản xuất kinh doanh, và phần mềm quản lý sản xuất của anh là độc quyền, không bán. Với đam mê nghiên cứu, mỗi ngày, Huy vẫn mày mò tìm hiểu, cải thiện hệ thống tưới tiêu, phân bón nhằm hạn chế tối đa sức người, để công nhân được nhàn nhã nhất…
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, năm 2016, Huy có tiền dôi dư để mua thêm 1 ha đất vườn, 1 mảnh đất thổ cư và một chiếc xe hơi để thuận lợi hơn trong điều hành công việc. May mắn, Huy có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ và vợ đều hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để anh theo đuổi niềm đam mê ruộng vườn công nghệ cao.
Nói về dự tính trong tương lai, Huy cho biết: Sẽ tiếp tục tìm hiểu nhu cầu của thị trường, phát triển thêm thị trường, sau đó mở rộng diện tích kinh doanh. Huy tự tin nói: “Khi mình nắm chắc công nghệ, lại tìm được thị trường ổn định, thì việc phát triển mở rộng thêm quy mô sản xuất mới có thể yên tâm được…”.