Đến xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn không ai là không biết chàng thanh niên trẻ tuổi Lê Văn Lâm (SN 1991). Hiện, Lâm là chủ của trang trại nuôi dúi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sau khi tốt nghiệp ngành cầu đường, đại học Giao thông vận tải, Lâm ra đi làm một thời gian. Tuy nhiên, do công việc không ổn định, thu nhập thấp nên năm 2015, Lâm quyết định trở về quê nối nghiệp bố làm nông nghiệp theo mô hình trang trại.
Trước đó, bố Lâm cũng đã từng nuôi dúi nhưng quy mô nhỏ. Qua tìm hiểu, Lâm biết dúi là loại đặc sản còn tương đối mới ở địa phương. Anh đã mạnh dạn tiến hành các thủ tục đăng ký và chuyển đổi sang mô hình nuôi con dúi.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kiến thức về việc nuôi dúi nên Lâm gặp rất nhiều khó khăn. Lâm đã tìm đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lên mạng tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng bệnh cho dúi.
Sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm, Lâm quyết định mở rộng quy mô trang trại với số lượng 500 chuồng nuôi. Khi số lượng đàn dúi ngày một phát triển, có đầu ra ổn định, cho thu nhập cao, năm 2016, Lâm còn chuyển giao kỹ thuật và tìm đầu ra cho những trang trại hợp tác với mình ở nhiều tỉnh thành. Đồng thời, xây dựng nhà hàng ẩm thực chuyên các món thịt dúi tại Thái Nguyên.
Không chỉ đem lại thu nhập cao, các trang trại của Lâm còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo chia sẻ của Lâm thì con dúi thuộc diện đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Lâm đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại nhiều địa phương. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.
Nói về kỹ thuật nuôi dúi, Lâm, cho biết: Chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Thức ăn của dúi gồm: Tre, hạt ngô, thân mía, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối. Theo kinh nghiệm của Lâm, không nên cho dúi ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ.
Ngoài ra, một tuần cho dúi ăn thêm xương lợn, trâu bò, ốc bươu vàng (lấy mình ruột) luộc chín hoặc giun đất. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dúi, Lâm trồng gần 1 ha mía, ngô và thu mua tre của người dân trong vùng.
Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường 15 -17 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt, mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 330C để dúi sinh trưởng, phát triển tốt.
Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6 - 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...
Mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt 500-700g; dúi thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, có thể đạt trọng lượng 1,5 kg.
Từ một trang trại nuôi gà, lươn của gia đình chỉ đem lại thu nhập mỗi năm khoảng 70-80 triệu đồng. Đến nay, tính ra, mỗi năm trang trại của Lâm xuất chuồng khoảng 500 - 600 con giống; 5 tạ dúi thương phẩm, trừ chi phí lãi ròng khoảng 500 triệu đồng.
Dự định của anh Lâm trong thời gian tới là xúc tiến hợp tác nuôi và hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia. Một số đối tác đã mời anh hợp tác chuyển giao kỹ thuật, hợp đồng cung ứng sản phẩm với lượng lớn để xuất khẩu, nhưng do chưa đủ khả năng nên chưa làm.