dd/mm/yyyy

Loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó, nay "lên đời" thành đặc sản đắt đỏ, 200.000 đồng/kg

Ở Tiền Giang, có một loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó của người dân nay "lên đời" thành đặc sản vừa ngon vừa lạ được nhiều người yêu thích.

Những năm gần đây, người dân thành phố có xu hướng săn tìm những món đặc sản bình dị ở các miền quê để thưởng thức.

Ở Tiền Giang, có một loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó của người dân nay "lên đời" thành món vừa ngon vừa lạ được nhiều người biết đến. Du khách gần xa tới đây đều tìm để ăn thử hoặc mua về làm quà cho người thân, bạn bè, đó là con còng gió.

Loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó, nay "lên đời" thành đặc sản đắt đỏ, 200.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Theo tìm hiểu, còng gió thuộc họ cua, chúng có kích thước nhỏ hơn cua đồng, thường sống ở bãi biển, ven sông hay dưới chân rừng ngập mặn. Loài này có nhiều ở miền Tây, nổi bật nhất là ở Gò Công, Tiền Giang. Từ thuở nhỏ, người dân ở đây đã nghe câu hát: "Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”.

Được biết, tháng 4, tháng 5 hàng năm là thời điểm còng gió vào mùa. Tuỳ theo điều kiện và phương tiện hiện có mà người ta có thể có nhiều cách sáng tạo bắt còng gió khác nhau. Nếu là khách tham quan du lịch thì bạn chỉ cần một cái thùng nhỏ để đựng còng, đợi thuỷ triều rút xuống là có thể đi dọc theo bờ biển để bắt còng gió.

Loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó, nay "lên đời" thành đặc sản đắt đỏ, 200.000 đồng/kg- Ảnh 2.

Bắt còng gió theo cách này, bạn phải nhanh chân đuổi còng gió từ trong ra ngoài để cho còng gió không trốn kịp mà rút xuống ẩn mình trong cát ngay mé nước biển. Bạn cần chú ý quan sát nơi nào cát ùn lên thì thò tay xuống bắt. Thêm vào đó, cần phải cẩn thận cầm hai bên mai còng, nếu chẳng may bị còng cắn thì… đau kêu váng trời.

"Con còng chân cao lều khều nên chạy trốn rất nhanh, đổi hướng điêu luyện. Màu da của nó vàng pha trắng, cùng màu với cát biển nhưng càng của nó màu đỏ dễ nhận biết. Khi đi săn con còng cần chú ý quan sát nơi nào cát ùn lên thì thò tay xuống bắt, nhưng phải hết sức cẩn thận, không để nó kẹp vào tay.

Trước đây, cuộc sống người dân vùng Gò Công còn khó khăn, gặp buổi tiết trời biển động, sóng to gió lớn, thức ăn không có gì ngoài mắm, rau, thì con còng gió trở thành món ăn chính trong bữa cơm gia đình. Hồi đó, còng thường được đem kho mặn để lấy nước chấm rau hoặc nấu canh chua, rang với mắm. Còng gió rang cả mai nhưng vỏ mỏng và giòn tan, nhai cả con để tận hưởng vị ngọt mằn mặn thơm lừng. Càng nhai vị ngọt càng ngon cho đến khi còng gió tan hết trong miệng", một người dân ở Gò Công chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống .

Còn với những người săn còng chuyên nghiệp, họ dùng bẫy lưới để đặt còng. Khi còng di chuyển từ sông lên bãi cát thì rơi vào bẫy. Trước đây người dân bắt còng gió làm thành món ăn dân dã, đặc biệt trong những ngày hè oi nóng. Giờ đây còng gió được biết tới nhiều nên nghề "săn" còng mang lại thu nhập cho nhiều người.

Loài từng gắn với những bữa cơm nghèo khó, nay "lên đời" thành đặc sản đắt đỏ, 200.000 đồng/kg- Ảnh 3.

Từ còng gió có thể chế biến thành nhiều món ngon như: xào sả ớt, nướng mọi, nấu cháo, nấu canh chua hoặc rang với nước mắm cốt…, món nào cũng ngon ngọt và hấp dẫn.

Những ai thích ăn kiểu dân dã thì nướng chính là món nhanh nhất. Còng gió bỏ mai và yếm sau đó được nướng trên bếp than củi, khi nào phảng phất mùi thơm là có thể dùng ngay. Món còng nướng này sẽ rất tuyệt vời nếu được thưởng thức ngay tại bãi biển với những cơn gió rì rào và âm thanh của những đợt sóng rền vang.

Ở vùng biển Gò Công, mắm còng gió là đặc sản đặc sắc được nhiều du khách mua về làm quà. Một hũ mắm còng 1kg có giá khoảng 200.000 đồng. Mắm còng gió được đựng trong hũ, trước khi ăn cần lấy mắm ra đĩa trộn thêm chanh, ớt, đường… rồi từ từ thưởng thức hương vị đặc biệt của món ăn. Muốn ngon hơn, bạn có thể trộn chung mắm với thịt ba chỉ ăn kèm với các loại rau sống miệt vườn.


Minh Hoa (t/h)