dd/mm/yyyy

Loại cây ở Việt Nam cho gia súc ăn sang nước ngoài thành rau quý tộc

Là loại cây mọc dại nhưng bèo tây lại có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, chiết xuất thô của loại rau này hứa hẹn phòng ngừa ung thư.

Thời gian qua, chuyện những mặt hàng ở Việt Nam có giá rẻ nhưng sang nước ngoài lại có giá cao gây chú ý cộng đồng mạng.

Thông tin trên báo VietNamNet, cây lục bình Việt Nam sang Nhật từng được bày bán có giá 100 Yên, tính ra tiền Việt Nam là hơn 21 nghìn đồng. Bèo tây hay còn gọi là lục bình, bèo Nhật Bản. Tại Việt Nam, đây là cây dại làm thức ăn cho gia súc và làm nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ.

Còn tại Đài Loan, lục bình được sử dụng như một loại rau ăn giàu caroten. Ở Indonesia người dân sử dụng phần thân và cụm hoa. Tại Việt Nam, vài năm gần đây, người dân cũng bắt đầu sử dụng lục bình chế biến nhiều món ăn ngon.

Theo báo Thanh Niên, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM - Cơ sở 3) cho biết: lục bình còn được gọi là bèo tây, lộc bình, là một loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Eichhornia của họ bèo tây.

Loại cây ở Việt Nam cho gia súc ăn sang nước ngoài thành rau quý tộc- Ảnh 1.

Cây bèo tây (Ảnh minh họa)

"Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy trong lục bình có một số hợp chất như alkaloid, dẫn xuất phthalate, propanoid và dẫn xuất phenyl có tác dụng cao như kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và phòng ngừa ung thư. Trong lục bình khô còn chứa lượng chất xơ cao, giàu khoáng chất. Ngoài ra, chiết xuất thô của lục bình cho thấy các hoạt động chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm, chống lại các gốc tự do gây hại", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Ngoài ra, ngó bèo tây có thể chế biến như ngó sen. Đọt non và cuống lá dùng để nấu canh tép, cá lóc, tôm khô. Hoa bèo có thể luộc chấm cá kho hoặc xào thịt bò, lòng heo, lẩu cá rô phi bèo tây. Thân cây có thể nấu canh chua cá lóc. Trong dân gian, dùng bèo tây làm thuốc người ta lấy lá, phần phình của cuộng lá, bỏ thân, rễ bèo.

Theo Đông y, lục bình vị ngọt, mát, có tác dụng giảm sưng tấy, giải độc. Một số nghiên cứu hiện đại trong phòng thí nghiệm người ta thấy rằng trong bèo tây có nhiều chất xơ, chất khoáng.

Ngoài ra, chiết xuất thô và một số chất trong bèo tây cho thể chống lại vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Bèo tây còn có hiệu lực tương đương với tetracyclin khoảng 50%, hiệu quả cao thấp còn phụ thuộc vào chủng E.coli và S.faecalis. Dịch chiết thô chứa các chất kháng khuẩn khác nhau với hiệu quả và phương thức hoạt động khác nhau có thể hoạt động đối kháng hoặc hiệp đồng trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.

Hoạt tính chống oxy hóa của các thành phần hoạt tính được tách từ bèo tây có thể là do sự hiện diện của nhóm hydroxyl và các liên kết không bão hòa trong cấu trúc hóa học của các hợp chất cô lập của nó cho thấy khả năng thu gom các gốc tự do cao.

Loại cây ở Việt Nam cho gia súc ăn sang nước ngoài thành rau quý tộc- Ảnh 2.

Một vài lưu ý khi sử dụng lục bình

Trong quá trình sử dụng lục bình để chế biến món ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh, người bệnh nên lưu ý những điều sau:

Lục bình ở dạng tự nhiên có khả năng hấp thu kim loại nặng như thủy ngân, chì hoặc strontium. Vì thế, chúng thường được sử dụng để khử trừ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi sử dụng làm thuốc, bệnh nhân không nên dùng những ngó lục bình sống ở khu vực này, tránh ngộ độc.

Người có cơ địa nhạy cảm không nên ăn hoặc dùng lục bình làm thuốc chữa bệnh. Bởi các thành phần có trong dược liệu này có thể gây kích ứng dẫn đến ngứa

Lục bình ăn sống thường gây rát nên người bệnh bị lở môi không nên ăn

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã biết "Công dụng chữa bệnh của cây lục bình" rồi phải không.


Trúc Chi (Tổng Hợp)