Nhắc đến xã Thanh Hưng không ai không biết đến đây chính là vựa rau màu của tỉnh Điện Biên. Xã Thanh Hưng hiện có hơn 80 ha đất trồng rau màu, chủ yếu các loại rau xanh ăn lá, rau cho quả và các loại rau gia vị, như: Hành, tỏi, rau mùi và rau thơm các loại... Theo đánh giá của xã, việc trồng rau màu cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng cây lúa. Trong đó, mô hình trồng rau và nuôi lợn thương phẩm của gia đình ông Cần là một trong những mô hình kinh tế điển hình, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Rau màu là loại cây trồng cho năng suất cao, thời gian gieo trồng ngắn. Ông Cần luân canh thường xuyên trong quá trình gieo trồng. Ông bố trí quy hoạch gieo trồng rau theo từng ô, thửa và từng khu vực, kết hợp với hệ thống tưới nước tự động. Điều đặc biệt là ông Cần đổ bê tông toàn bộ lối đi giữa các luống rau xanh, mà ai nhìn thấy cũng phải tấm tắc khen cách làm của ông.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Cần nói: "Tôi trồng rau và chăn nuôi đã mấy chục năm nay, mỗi mùa vụ tùy vào điều kiện thời tiết và thị trường mà thay đổi cơ cấu gieo trồng, chăn nuôi của gia đình. Mô hình trồng rau và chăn nuôi đã đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình tôi".
Nói thêm về việc đổ bê tông toàn bộ lối đi giữa các luống rau, ông Cần cho biết thêm: "Trồng rau thì phải tưới ngày vài lần. Vườn rau nhà tôi hơn 1 ha, mỗi lần tưới xong đi lại lép nhép đất dính, nên là tôi đổ toàn bộ bê tông hết các lối đi cho sạch sẽ".
Từ hơn 1 ha gieo trồng rau màu, mùa nào thức nấy, mỗi ngày ông Cần xuất bán từ 50 kg đến 1 tạ rau, củ, quả thực phẩm các loại với giá từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg tùy loại.
Ngoài trồng rau màu, mỗi năm ông Cần cũng thu vài trăm triệu từ chăn nuôi lợn thương phẩm. Với khu chuồng trại sạch sẽ cùng hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí khoa học. Trung bình một năm, ông Cần nuôi được 3 lứa lợn, mỗi lứa 12 đến 17 con. Giống lợn lai 3 máu, lợn xuất chuồng mỗi con nặng khoảng 80 kg, giá từ 65.000 đến 90.000 đồng/ kg lợn hơi tùy thời điểm, xuất bán thẳng cho các thương lái trong tỉnh Điện Biên.
Từ lượng phân chuồng trong chăn nuôi lợn, ông Cần đào hố ủ làm phân bón cho toàn bộ diện tích trồng rau. Từ những sản phẩm rau không xuất bán ra thị trường, ông Cần lại dùng ngược lại cho việc chăn nuôi lợn.
Với sự nỗ lực trong thực hiện mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Cần đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, góp phần quan trọng vào việc tăng giá trị các sản phẩm rau màu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.