dd/mm/yyyy

Lâm Đồng: Rủ nhau trồng khoai tây, đào lên toàn củ là củ, nông dân không lo đầu ra

Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cùng những chính sách ưu đãi của doanh nghiệp đã giúp cho nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng phát huy được lợi thế, làm giàu trên mảnh đất của chính mình.

Lâm Đồng là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với các vùng khác. Trong đó, khoai tây là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả giúp người dân địa phương làm giàu, phát triển kinh tế.

gop/ Hiệu quả liên kết sản xuất khoai tây tại Lâm Đồng - Ảnh 1.

Mô hình liên kết trồng khoai tây của người dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) với PepsiCo Việt Nam. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho hay, vào năm 2014, giữa Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Việt Nam) và HTX Phi Vàng của ông Phạm Văn Trị (58 tuổi, ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) cùng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã ký biên bản thỏa thuận xây dựng và phát triển mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây chế biến. 

Đến nay, hiệu quả của mô hình này đã được khẳng định. Ban đầu, niên vụ 2014 – 2015 chỉ triển khai với diện tích hơn 17ha, nhưng năm 2021 đã lên khoảng 800ha (tập trung chủ yếu tại Đức Trọng và Đơn Dương).

Việc liên kết sản xuất khoai tây tại Lâm Đồng đã giúp cho người dân địa phương yên tâm sản xuất theo kế hoạch thông qua tổ chức đại diện của nông dân là HTX nông nghiệp, đảm bảo tránh được rủi ro do yếu tố thị trường, đặc biệt là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. 

Hơn nữa, giá bán sản phẩm của người dân cho PepsiCo Việt Nam có sự thống nhất giữa các bên tham gia, đảm bảo người nông dân thu được lợi nhuận so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích một cách bền vững.

Theo đại diện PepsiCo Việt Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, công ty có khoảng 800ha đất trồng khoai tây liên kết với người dân, sản lượng trung bình từ 26 - 30 tấn/ha. 

Khi liên kết với người dân, PepsiCo Việt Nam sẽ cam kết thu mua với giá cố định từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. 

Người dân sẽ được đầu tư ứng trước giống và phân bón, sau khi thu hoạch sẽ trừ lại phần chi phí đó. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, công ty cử đội ngũ kỹ sư thăm đồng thường xuyên, từ đó phát hiện bệnh, hướng dẫn người dân phun thuốc gì phù hợp để xử lý.

Cũng theo ông Châu, trong tương lai, khả năng nhân rộng mô hình rất cao vì người dân nhận thấy được kết quả của việc liên kết sản xuất, tránh được rủi ro. Hơn nữa, mô hình này phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng.

Văn Long