dd/mm/yyyy

Kinh nghiệm nuôi gà thả vườn hạn chế dịch bệnh

Khi mô hình chăn nuôi gà thả vườn phát triển mạnh mẽ với quy mô, số lượng ngày một lớn, người nuôi cần trang bị những kỹ thuật phòng bệnh để nâng cao hiệu quả.


Nuôi gà thả vườn cần nắm bắt các kỹ thuật phòng và trị bệnh cho gà

Nếu như trước đây hộ nào nuôi vài trăm đến 1.000 con gà lông màu thả vườn đã được coi là quy mô khá lớn, là tấm gương điển hình. Nay các trang trại, gia trại sở hữu những đàn gà thả vườn lên tới hàng chục nghìn con là phổ biến.

Nuôi gà thả vườn không nên thả lung tung như thói quen trước đây mà phải thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn. Đầu tiên, phải đảm bảo đúng mật độ, không nên tham nuôi quá dầy. Bởi mật độ tăng khiến gà thiếu thức ăn, nhiều chất thải dẫn tới ô nhiễm môi trường, sức đề kháng yếu, dẫn tới dễ mắc bệnh.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

Mặc dù quy mô, tổng đàn chăn nuôi gà lông màu thả vườn lớn hơn nhiều lần so với trước đây, theo số liệu thống kê lên tới hàng trăm triệu con, song có một thực tế thói quen chăn nuôi gà thả vườn của bà con không có sự thay đổi quá nhiều.

Với những vùng trung du, nông thôn đất đai rộng, quan niệm nuôi gà thả vườn là phải cho gà chạy khắp vườn vải, nhãn, cây ăn quả để vật nuôi khỏe mạnh, thịt thơm ngon, rắn chắc đã ăn sâu vào ý nghĩ của người chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc thả gà không có sự kiểm soát này trong bối cảnh chăn nuôi số lượng lớn ngày nay lại bộc lộ mặt hạn chế khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh do chất thải của gà thải xuống quá nhiều (nuôi mật độ dầy) khiến đất bị ô nhiễm, là mầm mống lưu cữu dịch bệnh năm này qua năm khác.

Qua tìm hiểu những vùng chăn nuôi gà thả vườn lớn tại miền Bắc như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương… đặc biệt là những năm thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao như năm nay dịch bệnh trên gà thả vườn xảy ra thường xuyên và diễn biến khá phức tạp. Các bệnh phổ biến trên gà mấy năm gần đây bao gồm đầu đen, kí sinh trùng đường máu, cầu trùng, Newcastle, gumboro…

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, nguyên giảng viên Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, với môi trường chăn nuôi ngày càng ô nhiễm như hiện nay, người chăn nuôi gà phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, nếu không chỉ một lứa bị dịch coi như mấy lứa lãi khác cộng lại không đủ bù đắp chi phí.

Kinh nghiệm khi nuôi gà thả vườn là khử trùng và tiêm phòng định kỳ. Ảnh minh họa

Do gà thân nhiệt cao, đang chơi gặp phải trời mưa lạnh, nhiệt độ thay đổi đột ngột nên dễ bị bệnh. Chưa kể, việc thả gà ra ngoài vườn không kiểm soát được chất thải, lâu dần chất thải lưu cữu vào đất gây ô nhiễm rất khó xử lí. Hai năm qua HTX nuôi gà thả vườn theo hình thức nuôi nhốt có kiểm soát đã gặt hái thành công.
Ông Đỗ Sơn

Định kỳ hàng tuần, hàng tháng cần xới đất vườn, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột để hạn chế, tiêu diệt các mầm bệnh trú trong chất thải của gà. Đặc biệt, phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ việc dùng các loại vacxin trên gia cầm đã có quy trình được khuyến cáo rộng rãi.

“Quá trình đi công tác tôi nhận được rất nhiều thắc mắc của người nuôi gà về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh. Hiện người chăn nuôi phần lớn chưa tuân thủ đúng quy trình, thậm chí chuyện chuẩn đoán sai bệnh dẫn đến dùng thuốc sai diễn ra thường xuyên. Khi không cứu được gà người chăn nuôi thường "đổ tội" do giống, thức ăn hay các bệnh khó điều trị, song thực tế dịch bệnh chủ yếu do quy trình chăn nuôi mà ra", PGS.TS Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh trên chăn nuôi gà thả vườn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh giống gia cầm, các chủ trang trại quy mô lớn đã thay đổi tư duy, thói quen trong việc đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà thả vườn theo mô hình, cách thức quản lí, kiểm soát tiến bộ mới.

Theo đó, chăn nuôi gà lông màu thả vườn không được khuyến khích thả rông như trước đây, mà phải được nuôi nhốt có kiểm soát với mật độ phù hợp. Cụ thể, ở giai đoạn gà còn nhỏ, sức đề kháng yếu, gà thả vườn được nuôi nhốt trong chuồng. Chỉ khi nào gà trưởng thành, chuẩn bị được xuất bán mới bắt đầu được thả ra các khu sân chơi đổ cát để sưởi nắng, vận động giúp màu lông đẹp, chất lượng thịt ngon hơn.

Khi nuôi gà thả vườn nên tránh thả khi gà quá nhỏ và thả trong mùa mưa. Ảnh minh họa

Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) Lê Thành Sự chia sẻ, hiện mỗi năm HTX duy trì đàn gà lông màu dao động từ 50.000 - 100.000 con cộng quá trình chăn nuôi anh đúc kết được rằng, việc thả gà quá sớm khi gà con nhỏ lợi bất cập hại, nhất là trong mùa mưa.

Theo chia sẻ của các chuyên gia chăn nuôi và doanh nghiệp giống gia cầm, trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, để tồn tại và cạnh tranh, người nuôi gà thả vườn cần bỏ tính bảo thủ, thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới, chú trọng kiểm soát vệ sinh dịch bệnh để giảm giá thành chăn nuôi, trước tiên là phải nuôi sạch bệnh.

Theo Nguyên Huân