dd/mm/yyyy

Khởi sắc nông thôn mới ở Mai Sơn

Diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày một khang trang, đời sống của nhân dân các dân tộc tại địa phương không ngừng được cải thiện... Đó là những kết quả nổi bật của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM).

 Mai Sơn là một trong những huyện đi đầu của Sơn La về phát triển cây nhãn ghép cành cho năng xuất cao.

Lộ trình lan tỏa

Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Văn Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Bắt tay vào xây dựng NTM, Mai Sơn gặp không ít khó khăn: Cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói nghèo cao, thu nhập của người dân ở mức thấp...

Xác định đây là việc mới, việc khó, không thể thành công trong một sớm, một chiều nên huyện Mai Sơn đã xây dựng lộ trình cụ thể, kế hoạch chi tiết đối với từng tiêu chí và tới từng xã theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Phát huy sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Với cây ngô lai, nhiều năm nay, Mai Sơn đã dẫn đầu cả tỉnh Sơn La về năng xuất, nhiều địa bàn trong huyện đạt từ 10-13 tấn/ha. 

Các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đã cụ thể hóa xây dựng NTM bằng những việc làm phù hợp điều kiện thực tiễn ở cơ sở. Huyện đoàn Mai Sơn có phong trào “Tuổi trẻ Mai Sơn chung sức xây dựng NTM”; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hướng dẫn cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng NTM. Hội nông dân Mai Sơn với vai trò nòng cốt đã vào cuộc quyết liệt, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng NTM, xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn…

Cuộc sống ngày một tốt hơn

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện đã triển khai được hơn 230 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 160 km; kênh mương thủy lợi được kiên cố, tu sửa; hàng chục nhà lớp học, nhà văn hóa bản, tiểu khu; sân chơi thể thao… đã được các hội viên, nông dân chung tay làm mới, sửa chữa…

Nhiều trang trại cây ăn quả ở Mai Sơn cho thu nhập tới nửa tỉ đồng/năm và tham gia tích cực vào phát triển kinh tế hợp tác xã.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền huyện Mai Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các xã vận động bà con đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, chú trọng phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; gắn chuyển đổi canh tác trên đất dốc với trồng cây ăn quả, tạo những mũi nhọn kinh tế hàng hóa ngày cảng mạnh trên địa bàn.

Nhiều trang trại cây ăn quả ở Mai Sơn cho thu nhập tới nửa tỉ đồng/năm và tham gia tích cực vào phát triển kinh tế hợp tác xã.

“Từ ngày có NTM, đời sống bà con dân bản khấm khá hẳn lên. Đường dân sinh được đổ bê tông bằng phẳng, trải dài vươn đến từng ngõ nghách, đi lại cũng sướng cái chân, khỏe cái người, bà con dân bản sẽ tiếp tục tham gia để cuộc sống ngày một tốt hơn” – ông Vì Văn Khó ở bản Búc, xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn) tự hào cho biết.

 “Phong trào xây dựng NTM phát triển rộng khắp các xã, bản, trong đó nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất làm đường, nhà văn hóa, sân thể thao... với con số lên đến hàng nghìn mét vuông. Bộ mặt nông thôn miền núi của huyện đang khởi sắc từng ngày, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương, phát triển kinh tế ở địa phương”.
Ông Trần Đắc Thắng – Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn.
Văn Chiến – Quốc Định