Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Điện Biên với mục tiêu đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa khu vực lòng chảo của huyện Điện Biên với thành phố Điện Biên Phủ; tạo liên kết vùng thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch của khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279 và Quốc lộ 12, tỉnh Điện Biên. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 980 tỷ và ngân sách địa phương là 320 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 35,35 km. Trong đó, phần tuyến đường đô thị có chiều dài L=5,78km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị; kết cấu mặt đường bê tông nhựa, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hào kỹ thuật, cấp nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh… Phần tuyến đường ngoài đô thị được đầu tư xây dựng theo quy mô đường giao thông cấp IV miền núi (TCVN 4054:2005) với tổng chiều dài 29,57km; mặt đường rộng 7,5m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa, công trình thoát nước ngang, thoát nước dọc; tường chắn…
Tuyến đường khi hoàn thành sẽ kết nối nhiều khu đô thị, du lịch, sinh thái được các nhà đầu tư quan tâm như: Khu đô thị cửa ngõ phía Bắc, khu du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ thể thao Tây Bắc, khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng hồ Hồng Khếnh, khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp Hoong Lếch, khu phức hợp nhà ở du lịch nghỉ dưỡng Khoáng Nóng Hồ Pe Luông, Kkhu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng hồ Uva và các khu vực tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Do đó, tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng, tạo động lực mở ra không gian phát triển mới khu vực thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên.
Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án Các công trình giao thông tỉnh Điện Biên thì cái khó nhất của đơn vị chủ đầu tư là trong quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay vẫn chưa xong như UBND thành phố Điện Biên Phủ mới phê duyệt 228/312 hộ dân tương ứng 25,73ha/31,8ha đạt 80,91%. UBND huyện Điện Biên mới phê duyệt được 898/1281 hộ dân tương ứng 31,74ha/43,79ha đạt 72,49%. Bên cạnh đó, năm 2024 mùa mưa lũ kéo dài cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, Ban QLDA đã xây dựng kế hoạch chi tiết, áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ công trình. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chính sách, bàn giao mặt bằng, đồng thời chỉ đạo bộ phận quản lý dự án, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và huy động đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để tổ chức thi công... Đến nay, công trình đã thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đối với các gói thầu đã có mặt bằng sạch, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu huy động máy móc để thi công, đảm bảo đúng tiến độ. Hiện tại đã thi công xong 3 công trình trung cầu vượt sông Nậm Rốm; thi công nền, móng mặt đường tuyến NT1; thi công một phần nền đường và công trình thoát nước tuyến chính, tuyến nhánh 3, tuyến nhánh 4, tuyến nhánh 5 và đã sản xuất xong toàn bộ các cấu kiện đúc sẵn.
Chia sẻ với phóng viên về tiến độ dự án, ông Nguyễn Minh Tuân không khỏi băn khoăn: Nhìn chung, tiến độ thi công xây lắp của dự án còn chậm do chủ yếu vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế thời gian từ nay đến thời điểm phải hoàn thành dự án (ngày 31/12/2024) không còn nhiều, trong khi khối lượng, giá trị còn lại phải thi công còn lớn, mặt bằng xây dựng vẫn chưa được giải phóng xong. Tuy nhiên, nếu UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu trước ngày 15/9/2024 thì Ban Quản lý dự án sẽ quyết tâm đưa công trình vào bàn giao, khai thác sử dụng theo đúng tiến độ đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.